Di tích văn hóa lịch sử quốc gia: Tháp Pô Dam (Pô Tằm) ở Tuy Phong

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:17, 27/09/2024

1. Vị trí cụm tháp:

Từ thôn Lạc Trị đi qua sông Lòng Sông, theo đường xuyên nội đồng của Hợp tác xã nông nghiệp Lạc Trị, về phía Tây Bắc nhìn lên ngọn đồi có tên là Kađak/Ka-đá, người trong vùng gọi là núi Ông Xiêm, có một nhóm tháp là nhóm tháp Pô Dam, người dân địa phương gọi là tháp Ông Gầm.

tang-da.jpg
Tảng đá có chữ Chăm cổ trên tháp Pô Dam . Ảnh D.Trịnh

Theo các nhà nghiên cứu thì nhóm tháp Pô Dam được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ IX. Trước đây có tất cả là 6 ngôi tháp, nay chỉ còn lại 3 ngôi tháp.

Bên cạnh ngôi tháp còn tìm được một tảng đá có ghi một câu chữ Chăm cổ, hiện nay đang còn lưu giữ bên cạnh ngôi tháp.

Pô Dam khi lên ngôi vua có tên gọi là Pô Kathit (Pô Ka-thích). Pô Dam người Chăm thường gọi là Pô Tằm. Người dân địa phương thường gọi là Ông Gầm

Pô Tằm, Pô Kloong Tằm, Pô Tằm Mưh là tên gọi sau khi ngài được phong thần.

2. Truyền thuyết Pô Dam:

Theo lịch Chăm thì ngài sinh vào thứ bảy, ngày mồng 3, tháng 6 năm Giáp Thìn/ I-nư Gi-rai Liêh, dương lịch là năm 1388. Ngài là con cả của vua Pô Parachanh, là em ruột của Pô Sah Inư. Ngài lên ngôi vua vào năm Bính Dần/Ri-moong Jim, theo dương lịch là vào năm 1446, tại kinh đô Băl Băt Thi-nưng (Khánh Hòa) đến năm 1472, được 27 năm.

Sau khi thoái vị, ngài vào vùng phía Nam của Pangdurangga (Pang-tù-rang-gà) cùng với người chị là Pô Sah I-nư đi khắp các làng Chăm trong vùng để giúp đỡ dân chúng khai khẩn đất hoang, khai mương, đắp đập để sản xuất nông nghiệp. Dạy cho người dân cách trồng lúa, trồng các loại hoa màu, trồng bông dệt vải… Cho đến ngày nay, ngài còn để lại nhiều dấu tích, như:

- Tại huyện Tuy Phong có đập Ppariya còn gọi là đập Bá-Ra, đập Ri-ya/đập cái Tuy Tịnh.

- Tại huyện Bắc Bình có đập Kroong Măl/đập Đồng măng, Đập Pa-tâw Chăng/đập Đá Hàn, đập Ha-mu Pa-jai/đập Cà Giây, đập Ha-mu Bi-râw/đập Đồng Mới.

- Tại huyện Hàm Thuận Bắc có đập Ha-mia/đập Cây Khế ở phía trên sông Quao.

- Tại huyện Tánh Linh, ngài còn hướng dẫn bà con trong vùng khai khẩn đất hoang để trồng trọt.

Ngoài nhóm tháp tại thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong; Ngài còn có nhiều di tích đền thờ đá Kút ở một số địa phương khác, như: Tại cánh đồng Pa-lay Ha-mu Rố/làng Tồn Thành nay là xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình. Đá Kút ở Tầm Bo đầu nguồn sông La Bá, xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong. Đá Kút ở đập Cây Khế và đền thờ tại thôn Ma Lâm 3, huyện Hàm Thuận Bắc.

Hiện nay có dòng tộc ông Mang Tình trước đây ở La-Bá (Phan Dũng, huyện Tuy Phong) nay ở xã Phan Điền, huyện Bắc Bình còn lưu giữ y trang, cổ vật của ngài. Mỗi khi có lễ cúng cầu an/Yôr Yang thì đại diện của dòng tộc ông Mang Tình lại mang các y trang, cổ vật này đến tháp Pô Dam để phụng tự.

Mỗi kỳ cứ 3 năm 1 lần, để tưởng nhớ công ơn của ngài, đồng bào các làng Chăm thuộc xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong có tổ chức lễ hội cầu an trên tháp vào giữa đầu hạ tuần tháng tư theo lịch Chăm.

Còn đồng bào Chăm ở huyện Hàm Thuận Bắc thì tổ chức lễ hội Ka-tê tại đền thờ của ngài tại thôn Ma Lâm 3, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc vào ngày rằm tháng bảy theo Chăm lịch.

Trong các bài tụng ca về các đền tháp, có đoạn mà hệ phái Pô Kadhar/Thầy Cò – ke hát tưởng nhớ công lao về Pô Tằm:

Lời Chăm:

Pô Tằm bợk bìnợk bợk chăr,

Mưk khăn pachăng gìmừng, ia đôch tagăr tagôk riboòng.

Pô Tằm bợk bìnợk kroong Bo,

Căk buuk gò lôi ia pagăr riboòng.

Dịch nghĩa:

Pô Tằm đắp đập ngăn kênh,

Lấy chăn che cọc, nước ngược dòng lên mương.

Pô Tằm đắp đập sông Bo

Bện tóc quặp xuống, lội ngược dòng con mương.

Nhóm tháp Pô Dam tại thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận được Nhà nước công nhận là Di tích Văn hóa lịch sử Quốc gia vào năm 1996.

Kinh Duy Trịnh (biên dịch)