Hỗ trợ kiến thức cho phụ nữ tham gia quản lý tổ hợp tác, hợp tác xã

Kinh tế tập thể - Ngày đăng : 05:06, 30/09/2024

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 01), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, góp phần tăng thu nhập và nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội.
img_5375.jpg
Phụ nữ tham gia quản lý tại các HTX, tổ hợp tác được hỗ trợ kiến thức về kinh doanh số.

Đề án 01 là đề án đầu tiên về phát triển kinh tế tập thể với đặc thù riêng cho giới nữ được Chính phủ giao Hội LHPN Việt Nam chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp triển khai thực hiện. Với vai trò nòng cốt thực hiện đề án tại tỉnh, năm 2024, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch phối hợp Liên minh HTX thực hiện các mục tiêu đề án.

c-van-giang-tap-huan.jpg
Bà Phan Thị Vi Vân đang trình bày các nội dung về Luật Hợp tác xã và các chính sách của tỉnh tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển kinh tế

Cụ thể, Hội LHPN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nâng cao kỹ năng cho các nữ lãnh đạo, quản lý, điều hành HTX trong tỉnh. Trong đó đã mở các lớp tập huấn, với sự tham gia của gần 150 thành viên là cán bộ Hội không chuyên trách cấp xã làm nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập thể, HTX và các thành viên tham gia quản lý HTX, tổ hợp tác, nhằm cung cấp những kiến thức nền ban đầu cho các chị. Đó là hướng dẫn xây dựng kế hoạch marketing, giới thiệu các kênh bán hàng online, kỹ năng trình bày bán hàng, thực hành và làm sản phẩm truyền thống. Đồng thời cung cấp kiến thức ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong phát triển, quản lý doanh nghiệp, tham gia thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP và kết nối các nguồn lực hỗ trợ HTX...

img_5465.jpg
Nhiều nội dung bổ ích được chia sẻ trong các lớp tập huấn

Bà Phan Thị Vi Vân – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Theo đánh giá ban đầu, nhờ các hoạt động công nghệ số, các chị đã biết tiếp cận và quảng bá mặt hàng do cơ sở, doanh nghiệp mình đang sản xuất hay có nhu cầu trên các trang mạng xã hội. Khi các chị được truyền tải các kỹ năng, được tập huấn, nâng cao kiến thức, tuy chưa thể gọi là sàn thương mại nhưng đều rất phấn khởi, tự tin, xây dựng thương hiệu trên nền tảng số.

img_5459.jpg
Các chị được hướng dẫn cài đặt và sử dụng điện thoại thông minh để quảng bá sản phẩm

Hiện toàn tỉnh có 39 HTX có phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2024 phối hợp thành lập 12 HTX/178 thành viên. Việc hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý vẫn đang được Hội LHPN các cấp thực hiện bằng nhiều hoạt động như hỗ trợ hoàn thiện thủ tục pháp lý để thành lập mô hình; xây dựng kế hoạch kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tiếp cận nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ, cá nhân đầu tư vào hoạt động mô hình. Ngoài ra, đại diện nữ quản lý các mô hình HTX, tổ hợp tác còn được hỗ trợ tham gia cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo do các cấp, các ngành tổ chức nhằm tạo cơ hội phát triển mô hình về cả quy mô và chất lượng sản phẩm thông qua các hoạt động của cuộc thi. Hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ, hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử, giúp cho HTX và các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ có thêm động lực phát triển, từ đó tăng trưởng về quy mô, chất lượng sản phẩm.

Bà Phan Thị Vi Vân nhấn mạnh: Những năm tiếp theo, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Liên minh HTX và các đơn vị liên quan mở lớp tập huấn tại địa phương với thành phần là hội viên, phụ nữ. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu các HTX, gương điển hình có sức lan tỏa, tự xây dựng được thương hiệu có lợi nhuận. Qua đó nhằm thực hiện tốt Đề án 01, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và khẳng định vai trò của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế.

Thùy Linh