Cô giáo trẻ “gieo chữ” vùng xa
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 16:11, 30/09/2024
Từ Quỹ học bổng “Tiếp bước đến trường”, viết tiếp ước mơ trở thành cô giáo
“Em đang là giáo viên của Trường tiểu học Mỹ Thạnh, và là một Tổng phụ trách Đội của trường. Sau 1 tháng nhận nhiệm vụ, em vẫn chưa hết được niềm vui”, Diễm khoe với tôi trong niềm phấn khởi. Ngày tốt nghiệp Đại học Sư phạm TPHCM, Diễm đã có dự định trở về quê và cầm hồ sơ xin dạy học ở một trường vùng sâu. Trường tiểu học Mỹ Thạnh là nơi em chọn dù biết rằng đường đi khá xa và cũng không ít nguy hiểm.
Một tháng nay, đều đặn mỗi ngày hàng tuần, trừ thứ bảy và chủ nhật, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Diễm thức dậy và bắt đầu đến trường từ 5 giờ 40 phút sáng, 16 giờ chiều lại hối hả chạy về vì sợ trời tối. Quảng đường hơn 70 cây số đi về mỗi ngày mất hết gần 2 giờ đồng hồ để đến với những học trò miền núi là không dễ, nhưng với Diễm, đó là những công việc mình thích và cảm thấy đang rất hạnh phúc.
Được biết, Diễm là một trong những sinh viên nghèo của tỉnh được hỗ trợ học bổng “Tiếp bước cho em đến trường” trong suốt khoảng thời gian cấp 3 và đại học. Đâu ai nghĩ nhờ những suất học bổng ấy đã giúp cô học trò nghèo trường huyện thực hiện được ước mơ lớn của đời mình : Cô giáo tiểu học. Nhà Diễm ở thôn Phú Sum, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ba mẹ làm thuê không đủ sức lo cho mấy chị em vào đại học. 4 năm trước, suýt nữa là em mất cơ hội vào giảng đường chỉ vì không đủ kinh phí trang trải. Với Diễm, những suất học bổng “tiếp bước đến trường” như những cái “phao” giúp em vượt hành trình tìm con chữ và tương lai cho mình.
Lội suối mang chữ cho học sinh nghèo
Mùa này, vùng núi Mỹ Thạnh thường xuyên có mưa. Nên việc đến lớp dạy học cũng gặp không ít khó khăn. Diễm kể: Có hôm mưa về bất chợt, nước dâng cao qua cống tràn, giáo viên tụi em trên đường tới trường phải nhờ người cứu hộ dìu qua, xe máy thì nhờ các thanh niên trong xã khiêng giúp. Cũng có khi em phải ngủ lại trường vì nước dâng cao không dám về.
Năm học dù chỉ mới bắt đầu, việc đi dạy xa sẽ còn nhiều khó khăn phía trước. Nhưng với Diễm, làm được việc mình thích là đã thấy vui, được đến với những học sinh nghèo vùng sâu xa như Mỹ Thạnh lại càng vui hơn. Mặc dù việc dạy học các em vùng dân tộc không dễ dàng như học sinh ở miền xuôi, nhiều em lớp 1,2 còn khá rụt rè, ngại giao tiếp, tiếp cận kiến thức mới khó khăn. Những học sinh yếu quá phải tranh thủ kèm thêm sau những giờ nghỉ ngơi là chuyện bình thường.
Xuất thân từ một học sinh nghèo, hành trình thực hiện ước mơ tương lai của mình cũng là một quá trình không đơn giản. Do vậy, được dạy dỗ những học sinh có hoàn cảnh như mình là một thuận lợi để cô giáo trẻ Nguyễn Thị Diễm có điều kiện và đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu, tiếp thêm động lực, lòng tự tin để các em vượt qua số phận, vươn lên thực hiện ước mơ như mình.