Hàm Thuận Nam: Cải thiện dinh dưỡng trẻ bằng nhiều cách
Xã hội - Ngày đăng : 08:11, 01/10/2024
Tỷ lệ suy dinh dưỡng vượt 20%
Theo Trung tâm Y tế Hàm Thuận Nam, tại huyện, số trẻ em dưới 5 tuổi có 111 trẻ bị suy dinh dưỡng cân nặng, chiếm tỷ lệ 26,6% và 117 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, chiếm tỷ lệ 28,05%. Với nhóm trẻ từ 5 đến 16 tuổi, có 188 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi và 116 trẻ bị suy dinh dưỡng cân nặng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở nhóm tuổi này là 20%. Đặc biệt, xã Hàm Cần, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đang ghi nhận tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất huyện với con số 93 trẻ bị suy dinh dưỡng cân nặng và 98 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Một trong những nguyên nhân chính là thiếu kiến thức về dinh dưỡng trong cộng đồng. Nhiều phụ huynh, đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa thật sự quan tâm đến chế độ dinh dưỡng trong từng bữa ăn của trẻ. Kiến thức về dinh dưỡng không chỉ liên quan đến các nhóm thực phẩm cần thiết mà còn bao gồm cả cách chế biến. Chế biến thực phẩm không đúng cách, dinh dưỡng thực phẩm sẽ không còn đủ lượng trong bữa ăn.
Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế khó khăn của các hộ gia đình, đặc biệt là những hộ nghèo và cận nghèo, vừa thoát nghèo hạn chế khả năng cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ. Bữa ăn của những gia đình này sẽ không đa dạng thực phẩm, ăn để no bụng là chính. Vì vậy, bữa ăn của trẻ thường xuyên thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng như protein, vitamin và khoáng chất. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
Các chuyên gia cho rằng, suy dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động lớn đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Trẻ em bị suy dinh dưỡng có nguy cơ cao mắc các bệnh tật, hệ miễn dịch yếu và khả năng học tập kém. Tình trạng suy dinh dưỡng cũng gây thiệt hại cho tương lai của trẻ, tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội.
Đề ra mục tiêu, phân khai kinh phí
Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em ở Hàm Thuận Nam, những biện pháp can thiệp hiệu quả và kịp thời cần được triển khai. Đó là chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã đưa ra nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, có cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Với mục tiêu, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng và tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam.
Cụ thể, hạ xuống mức thấp các thể thiếu dinh dưỡng ở trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi xuống dưới 23.4 %. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể gầy còm xuống dưới 4%. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ từ trên 5-16 tuổi thể thấp còi xuống dưới 34%. Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trên 80% trẻ em dưới 16 tuổi suy dinh dưỡng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng.
Theo báo cáo giải ngân của UBND huyện Hàm Thuận Nam, năm 2023, tiểu dự án 2 của dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng là hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, với kinh phí 361,9 triệu đồng đã phân khai cho Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam đang triển khai đấu thầu cung cấp dịch vụ hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, kinh phí thực hiện 170.475.300 đồng đạt 47,1%. Tiếp tục, năm 2024, kinh phí của tiểu dự án này là 362 triệu đồng được phân khai cho Trung tâm y tế huyện. Đây là sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Cấp vi chất, tuyên truyền nâng cao nhận thức
Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam cho biết, thời gian quá, trung tâm có đẩy mạnh cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi, trẻ em gái vị thành niên có kinh nguyệt. Cứ thế, trung tâm tiến hành mua vi chất dinh dưỡng để bổ sung. Trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi, thì bổ sung 1 liều/ngày cho trẻ suy dinh dưỡng, với tổng số 60-90 liều/trẻ trong mỗi đợt. Mỗi năm sẽ tổ chức 2 đợt bổ sung, cách nhau tối thiểu 3 tháng, tổng số liều lên tới 120-180 liều/trẻ. Với trẻ từ 5 đến dưới 16 tuổi, kế hoạch thực hiện cũng tương tự. Còn trẻ em gái vị thành niên từ 12 đến dưới 16 tuổi có kinh nguyệt, sẽ bổ sung 1 liều/tuần, với tổng số 30 liều/trẻ trong năm, chia thành 2 đợt cách nhau 3 tháng. Bên cạnh đó, chương trình cũng chú trọng đến việc phát hiện và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em. Trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi được chẩn đoán suy dinh dưỡng cấp tính nặng, và các dịch vụ điều trị sẽ được cung cấp ngay tại cộng đồng.
Cùng với đó, cung cấp trang thiết bị cần thiết cho các phòng khám đa khoa và trạm y tế xã như cân, thước và các dụng cụ thực hành dinh dưỡng. Vật tư y tế, thực phẩm bổ sung và tài liệu sẽ được cung cấp để triển khai các hoạt động can thiệp tại cộng đồng. Và các hoạt động theo dõi và đánh giá tình trạng dinh dưỡng, sẽ thực hiện khảo sát hàng năm.
Để nâng cao nhận thức về dinh dưỡng trong cộng đồng, Trung tâm Y tế huyện thực hiện các hoạt động truyền thông kết hợp với phát thanh trên loa của xã trong tuần lễ “Nuôi con bằng sữa mẹ (1-7/8/2024) và Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển (16-23/10/2024)”. Những buổi truyền thông này sẽ mời các bà mẹ có con nhỏ đến để tư vấn kiến thức về dinh dưỡng. Từ đó giúp họ hiểu rõ hơn về vai trò của dinh dưỡng trong sự phát triển của trẻ. Dinh dưỡng là nền tảng cho sự phát triển toàn diện ở trẻ. Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em là sự chung tay hành động.