Thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP từ các hợp tác xã
Kinh tế tập thể - Ngày đăng : 05:07, 02/10/2024
HTX tiên phong phát triển sản phẩm OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã nhận được sự quan tâm của nhiều HTX trên địa bàn tỉnh, đã có nhiều sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác được công nhận đạt chuẩn OCOP. Nhiều sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ hiệu quả cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Sản phẩm OCOP của HTX thanh long Hòa Lệ.
HTX thanh long Hòa Lệ (thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc) là một trong những HTX tiên phong trong việc xây dựng sản phẩm OCOP, với hàng loạt sản phẩm từ trái thanh long tươi đến các sản phẩm chế biến như nước cốt thanh long, rượu vang thanh long, thanh long sấy dẻo, và trà hoa thanh long... Từ khi tham gia Chương trình OCOP vào năm 2020, HTX Hòa Lệ đã không ngừng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Tính đến cuối năm 2023, HTX Hòa Lệ đã có 9 sản phẩm chế biến từ thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Các sản phẩm của HTX Hòa Lệ không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà còn ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, với quy trình sản xuất được cập nhật qua nhật ký điện tử, đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, HTX cũng hợp tác chặt chẽ với các nhóm liên kết chuỗi, hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, mở ra cơ hội xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc.
Sản phẩm OCOP 3 sao thanh long ruột đỏ HTX Phúc Vinh
Còn HTX thanh long Phúc Vinh ở thôn An Vinh (xã Sông Phan, Hàm Tân) có sản phẩm trái thanh long ruột đỏ được UBND huyện công nhận đạt 3 sao OCOP cấp huyện vào đầu năm 2024. Sản phẩm thanh long ruột đỏ vừa được công nhận đạt 3 sao OCOP là sự chứng nhận thương hiệu, đánh giá và công nhận của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm và chủ thể sản xuất ra sản phẩm từ các đặc sản, lợi thế ở địa phương đã tạo động lực cho HTX có hướng đi và kế hoạch nâng giá trị sản phẩm trong thời gian tới.
Năm 2023, HTX Phúc Vinh đã nỗ lực xây dựng 20 ha thanh long sản xuất đạt tiêu chuẩn Global GAP. Thanh long của đơn vị được trồng theo quy trình sản xuất tốt, tự hào là thanh long sạch đạt chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Hiện nay, sản lượng thu hoạch thanh long của hợp tác xã hơn 700 tấn/năm chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhờ vậy, nhiều thành viên HTX và bà con nông dân của xã tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Theo Ban Giám đốc HTX, với mong muốn xuất khẩu chính ngạch trái tươi đi đôi với chế biến để phát triển hiệu quả và bền vững. Vì vậy, bên cạnh việc mở rộng tìm kiếm thị trường chính ngạch, HTX đẩy mạnh phát triển sản xuất thanh long theo quy trình sạch đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, và đầu tư đa dạng sản phẩm chế biến.
Nỗ lực tương xứng tiềm năng
Có thể nói, dù triển khai muộn hơn so với nhiều địa phương trong cả nước, song hơn 4 năm thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh đã đạt được những dấu ấn tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 2 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng lại; 12 sản phẩm mới được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, tăng 10 sản phẩm so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 87 sản phẩm OCOP còn hiệu lực công nhận, trong đó có 77 sản phẩm OCOP 3 sao và 8 sản phẩm OCOP 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao.
Hiện toàn tỉnh có 3.255 tổ hợp tác, có 226 hợp tác xã và 2 Liên hiệp HTX, trong đó riêng hợp tác xã nông nghiệp có 155 HTX nông nghiệp. Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, trong tổng số 155 hợp tác xã nông nghiệp, hiện đã có 22 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, tuy nhiên con số này vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện nay.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng các HTX nông nghiệp trong tỉnh vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết. Sự gia tăng số lượng sản phẩm OCOP là bước tiến quan trọng, nhưng để duy trì và phát triển bền vững, các HTX cần tiếp tục đổi mới quy trình sản xuất, đầu tư công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các đơn vị cần tăng cường quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thêm cơ hội liên kết với thị trường quốc tế. Tin rằng, với những nỗ lực không ngừng, các sản phẩm OCOP từ HTX nông nghiệp tại Bình Thuận không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế nông thôn mà còn đưa sản phẩm nông sản của tỉnh vươn xa.