Mối lo tai nạn giao thông đường sắt
Pháp luật - Ngày đăng : 05:02, 02/10/2024
Thiệt hại nặng khi xảy ra tai nạn
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Bình Thuận xảy ra 3 vụ, làm 3 người chết, không có người bị thương. Các địa phương có xảy ra TNGT đường sắt là Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc. Nguyên nhân các vụ tai nạn chủ yếu do ý thức chủ quan của con người. Điển hình như vụ tai nạn xảy ra tại huyện Bắc Bình chiều ngày 6/6/2024, tại khu vực Sông Lũy - Châu Hanh, đoạn qua thôn Suối Nhum, xã Sông Lũy, khi tàu hỏa SP10 chạy hướng Nam - Bắc, đã đâm va xe máy múc đang sửa chữa thi công đoạn đường sắt. Vụ va chạm khiến xe máy múc hư hỏng nặng, đường sắt qua khu vực trên bị gián đoạn. Rất may, các hành khách trên tàu không ai bị thương. Hay vụ tai nạn ngày 30/8, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tàu hàng số hiệu HH5 lưu thông hướng Bắc - Nam đã tông vào ô tô 7 chỗ làm tài xế điều khiển ô tô tử vong.
Tai nạn đường sắt xảy ra thường để lại hậu quả nặng nề, ngoài thiệt hại về người, tài sản bởi tính chất đặc thù của đường sắt, thì còn thiệt hại về kinh tế rất lớn. Điển hình như vụ tai nạn do máy xúc không nhường đường xảy ra tại Sông Lũy, đã làm đường sắt phải gián đoạn chạy tàu gần 5 giờ để khắc phục sự cố, mới thông tuyến.
Không để phát sinh thêm lối đi tự mở
Từ đầu năm đến nay, Ban An toàn giao thông tỉnh, các địa phương cùng với các đơn vị ngành đường sắt thực hiện 6 đợt kiểm tra về các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) tại các đường ngang trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, hầu hết các lối đi dân sinh được rào chắn, thu hẹp, lắp đặt biển cảnh báo; không để phát sinh thêm lối đi tự mở (hiện tồn tại 112 lối đi tự mở). Ban An toàn giao thông tỉnh đã đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp rào đóng xóa bỏ lối đi tự mở, xử lý vi phạm hành lang an toàn đường sắt; kiến nghị ngành đường sắt sớm đầu tư đường ngang tại km 1490+180, xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình; cho phép cải tạo lối đi dưới cầu đường sắt và đầu tư xây dựng đường gom, xóa lối đi tự mở tại km 1559+260 qua ga Hàm Cường Tây; nâng cấp cảnh báo tự động, lắp cần chắn tự động tại các đường ngang còn lại (12 đường ngang).
Ban An toàn giao thông tỉnh đã phối hợp với các đơn vị của ngành đường sắt tổ chức 2 đợt kiểm tra tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đề nghị UBND các huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh tăng cường vận động nhân dân và tổ chức xử lý, giải tỏa các trường hợp xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt từ đây đến cuối năm, mới đây, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh yêu cầu các địa phương có tuyến đường sắt đi qua phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra và thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, kiên quyết không để phát sinh lối đi dân sinh trái phép qua đường sắt và các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Cần kiểm tra, rà soát và có kế hoạch, lộ trình xử lý, giải tỏa dứt điểm các trường hợp xây dựng nhà ở, công trình, trồng cây trong phạm vi đất bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt. Phối hợp rà soát, thống kê đường gom dân sinh trên địa bàn để xóa bỏ lối đi tự mở phù hợp với hiện trạng quản lý, đồng thời, lập điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm đường gom theo quy định. Riêng Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, xử lý các điểm vi phạm hành lang, lối đi tự mở trên tuyến đường sắt thuộc địa bàn tỉnh, trường hợp cần thiết tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện kịp thời theo quy định.