Hiệu quả từ chuyển đổi sang sản xuất lúa chất lượng cao

Kinh tế tập thể - Ngày đăng : 05:18, 02/10/2024

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Hiệp Phát (HTX DVNNHC), xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc được thành lập từ năm 2020 đến nay, có 15 thành viên, với vốn điều lệ khởi nghiệp là 600 triệu đồng. Hàng năm HTX DVNNHC Hiệp Phát được đánh giá xếp loại khá và hoạt động có hiệu quả cao.
lua-1.jpg
Nông dân trồng lúa chất lượng cao tham dự tập huấn ngay tại đồng ruộng. Ảnh: Ngọc Lân

Trao đổi với ông Trần Văn Hiệp - Giám đốc HTX DVNNHC Hiệp Phát được biết: Trước đây, gia đình ông Hiệp đã mở cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để cung ứng cho bà con nông dân trong xã. Trong quá trình kinh doanh ông có mối quan hệ gắn bó với nhiều người dân. Ông nhận thấy trên địa bàn xã diện tích trồng thanh long ngày càng phát triển, nhưng thiếu đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chưa định hướng được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do đó, ông đã đứng ra vận động các hộ dân thành lập Tổ sản xuất thanh long để giúp nhau sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Qua nghiên cứu học tập ở các địa phương, đến năm 2020 ông đã mạnh dạn xin thành lập HTX DVNNHC Hiệp Phát, với ngành nghề kinh doanh: Mua bán kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mua bán thực phẩm rau quả, trái cây, trồng cây ăn quả, trồng lúa, buôn bán nông sản. Sau khi thành lập HTX đã chủ động xây dựng mô hình hoạt động phù hợp với tình hình thực tế và đã đạt được một số kết quả đáng mừng. Các thành viên HTX đã nhận được sự hỗ trợ giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ cho sản xuất từ Liên minh Hợp tác xã tỉnh và đã đầu tư cơ sở xay xát lúa gạo, phục vụ cho các thành viên, các hộ dân trong xã. Trong thời gian bị dịch Covid-19, HTX đã chung tay chống dịch bệnh, tích cực vận động các thành viên đóng góp ủng hộ gạo, mì tôm, rau củ quả, nhu yếu phẩm cho các hộ dân nghèo, các tổ chốt phòng chống dịch, với trị giá trên 10 triệu đồng. Sau dịch bệnh, các hộ dân trồng thanh long gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống, vì trái thanh long không tiêu thụ được, giá cả thấp, làm ăn thua lỗ và không còn khả năng tái đầu tư sản xuất. Nhiều hộ dân đã phá bỏ cây thanh long để chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày. Có hộ không còn đầu tư chăm sóc vườn thanh long, vì cây đã già cội. Trước thực trạng đó, HTX đã bàn bạc với các thành viên thống nhất chuyển sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ thay thế cho lối sản xuất truyền thống lâu nay. HTX đã tìm hiểu học tập mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở các nơi và chủ động liên hệ ký kết hợp đồng với các đơn vị cung ứng giống lúa mới để gieo trồng thử nghiệm tại các hộ thành viên, như: Giống lúa Đài thơm 8, ST 25, OM18, OM375. Kết quả diện tích gieo trồng thử nghiệm các loại giống lúa mới cho năng suất, sản lượng cao, khả năng kháng rầy nâu tốt và thu lợi nhuận 13 triệu đồng/ha. Qua đó, HTX đã vận động các thành viên tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích gieo trồng các loại giống lúa mới OM18, OM375, ST 25 cho năng suất cao 70 tạ/ha. Riêng vụ hè thu năm nay các thành viên HTX đã chuyển đổi sang gieo trồng trên 100 ha giống lúa mới OM18, ST 25 cho năng suất cao từ 70 – 75 tạ/ha.

img_20240324_101543.jpg

Để xây dựng thương hiệu, tạo nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên, HTX DVNNHC Hiệp Phát đã xây dựng kế hoạch định hướng phát triển diện tích gieo trồng giống lúa mới lâu dài, bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, HTX vận động các thành viên mở rộng cánh đồng lớn từ 100 – 150 ha giống lúa mới sản xuất theo hướng hữu cơ và quy hoạch lại xứ đồng sản xuất lúa chất lượng cao để được chứng nhận OCOP.

khánh huyền