Cố hương trong Tĩnh dạ tứ của Lý Bạch
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 08:34, 04/10/2024
Lý Bạch (701-762) là một nhà thơ nổi tiếng của Trung Hoa thời thịnh Đường. Ông sinh ở vùng Tây Vực nay thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Từ nhỏ ông được mẹ là người địa phương dạy chữ Tây Vực, cha người Hán dạy Kinh Thi. Năm 41 tuổi được tiến cử vào cung vua Đường. Nhờ là người duy nhất giúp triều đình đọc thông thạo quốc thư xứ Tây Vực, nên ông được vua Đường Minh Hoàng ban chức quan Hàn lâm. Tuy vậy không thấy ông được dự bàn chính sự mà chỉ uống rượu làm thơ giúp vui cho vua và Dương Quý Phi khi yến ẩm.
Ở cung khoảng 5 năm, bị các cận thần của vua gièm pha ông chán nản từ quan. Vua Đường lưu giữ không được nên ban chiếu cho phép ông được uống rượu trong cả nước do triều đình trả tiền. Thời gian vui say ngao du sơn thủy này khoảng mười năm. Sau loạn An Lộc Sơn, do giúp Vĩnh Vương Lý Lân chống lại Đường Túc Tông để giành ngôi, ông bị bắt đi đày. Vài năm sau được ân xá, ông bị bệnh mất thọ 61 tuổi.
Theo nhiều tài liệu, Lý Bạch để lại cho đời hàng ngàn bài thơ, thể hiện một thi tài ở đỉnh cao với phong cách phóng khoáng, tự nhiên. Thơ Lý Bạch thường tả cảnh sông núi, thú uống rượu ngắm trăng, tình cảm bạn bè, nỗi mất mát do chiến tranh, loạn lạc…
Bài thơ Tĩnh dạ tứ chưa rõ thời gian sáng tác, lời trầm lắng, ý cô đọng được nhiều người biết đến:
靜 夜 思
床 前 明 月 光
疑 是 地 上 霜
擧 頭 望 明 月
低 頭 思 故 鄉
李 白
Phiên âm: Tĩnh dạ tứ
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương.
Tạm dịch: Cảm nghĩ trong đêm tĩnh
Trước giường trăng sáng rọi
Ngỡ đất phủ đầy sương
Ngẩng đầu ngóng trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.
- Trước giường trăng sáng rọi/ Ngỡ đất phủ đầy sương:
Ánh trăng là cảnh thường gặp trong thơ Lý Bạch: “Lục thủy minh thu nguyệt” trong bài thơ Lục thủy khúc; “Chỉ kim duy hữu Tây Giang nguyệt” trong bài Tô Đài lãm cổ…
Nhưng cảnh trăng ở đây lại là trước giường nằm. Người đã dừng bước giang hồ và đang mệt mỏi chăng? Có lẽ Lý Bạch sáng tác bài thơ này vào độ cuối đời mình. Ánh trăng từng là nguồn cảm hứng trong những ngày vui say khắp núi sông. Nay cũng ánh trăng sáng mà lại thấy phù du như sương khói. Có lẽ tuổi tác và đêm yên tĩnh làm lòng người lắng xuống nên cái nhìn chợt khác.
-Ngẩng đầu ngóng trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương:
Ngẩng đầu là lúc đắc vận được tiến cử vào cung, Lý Bạch mong đem sở học giúp vua bình trị thiên hạ như lời thư ông gởi Hàn Triều Tông: “Làm rõ lời bàn của Quản Trọng, Án Anh tính mưu chước cho đế vương, đem tài năng trí tuệ nguyện giúp hoàng thượng lo cho thiên hạ yên ổn, bốn phương thanh bình”.
Nhưng ngoài việc đọc quốc thư xứ Tây Vực, vua Đường Minh Hoàng chỉ dùng ông làm thơ để mua vui trong yến tiệc. Vinh quang nhất của ông có lẽ là khi thảo quốc thư bằng tiếng Tây Vực, được Cao Lực Sĩ và Dương Quốc Trung hai cận thần của vua cởi giày, mài mực. Có đặc ân này bởi ngòi bút thông thạo của ông sẽ khiến chúa Tây vực phải e dè, chột dạ khi tiếp chiếu thư của thiên tử nhà Đường. Còn mộng phò vua trị thế thì như vầng trăng sáng lung linh trên cao không với tới.
Rồi bị gièm pha, phải từ quan áo mũ trả lại triều đình, Lý Bạch còn được an ủi với ân huệ uống rượu vua ban trong cả nước. Thời kỳ ngẩng đầu của ông có lẽ chỉ vậy mà thôi.
Khi tuổi đã xế chiều, gặp lúc hoàng gia tranh ngôi báu, mộng công hầu khanh tướng lại xui ông thử vận. Việc không thành, nhà thơ phải cúi đầu trong cảnh tù đày. Từ đây mọi người xa lánh, ông chỉ còn chút tình quê hương để thương nhớ mà thôi.
Từ quê nhà mang theo hành trang là cái vốn Tây Vực học, cộng với tài thơ phóng khoáng tự nhiên nhờ bẩm thụ phong thổ hùng vĩ của quê hương, Lý Bạch chỉ trông ngóng công danh và vui chơi cùng bè bạn nơi quê cha mà không nhớ gì quê mẹ. Đến lúc cuối đời, thấy ánh trăng như sương khói, biết công danh là mộng ảo, người thân không còn ai, chợt nhớ đến quê hương thì đã muộn rồi. Ra đi chưa một lần trở lại, nay tuổi già sức yếu việc trở về thăm quê là không thể được nữa.
Vì vậy cái cúi đầu ân hận thương nhớ cố hương của Lý Bạch là một lời nhắc nhở quý báu cho những người có quê hương để luôn biết hướng về và trân trọng nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nỗi ưu tư chân thành của nhà thơ đã khơi gợi được tình yêu với quê hương đất nước cho mọi người nên bài thơ trên đã được đưa vào sách giáo khoa của Việt Nam và nhiều nước Đông Á khác.