Sao không nâng tầm “cá bớp Mũi Né” gắn với du lịch?

Du lịch - Ngày đăng : 09:14, 04/10/2024

Việc nuôi cá bớp tại Mũi Né không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương mà còn có thể phát triển sản phẩm du lịch tại những bè nuôi cá bớp.

Điều kiện thuận lợi phát triển nuôi cá bớp

Thiên nhiên ban tặng cho vùng biển Mũi Né (Phan Thiết) những điều kiện lý tưởng như nước trong xanh và sạch, với đáy biển ít bùn. Sự trao đổi nước liên tục, giúp duy trì chất lượng nước ổn định và không có tình trạng ô nhiễm. Đặc biệt là lưu lượng dòng chảy ổn định cũng giúp duy trì hàm lượng ô-xy hòa tan cao, độ mặn của nước biển phù hợp việc nuôi cá. Tất cả những đặc điểm thuận lợi này tạo ra môi trường sống tối ưu cho cá, giúp người nuôi giảm thiểu chi phí và tăng cường hiệu quả kinh tế.

nuoi-ca-bop-lng-be-mui-ne-nh-n.-lan-2-.jpg
Nuôi cá bớp lồng bè ở Mũi Né. Ảnh: N.Lân

Từ những điều kiện tự nhiên thuận lợi này, mô hình nuôi cá bớp trên ở biển Mũi Né đã hình thành và phát triển. Đến nay, có khoảng 8 hộ nuôi cá bớp, mỗi hộ nuôi từ 60 lồng trở lên với đủ kích cỡ cá, cung cấp cho khách du lịch, nhà hàng quanh năm. Với chất lượng thịt thơm ngon và đậm đà, cá bớp được thị trường ưa chuộng, giá bán cao hơn so với cá bớp ở nơi khác. Tùy thời điểm, giá cá bớp dao động từ 170.000 - 260.000 đồng/kg.

Một số hộ nuôi cá cho biết: Nguồn nước tốt kết hợp khâu chăm sóc tốt thì đảm bảo cá bớp phát triển, nâng chất lượng sản phẩm cá đến tay người tiêu dùng. Từ “cá bớp Mũi Né” đã trở thành một cái tên quen thuộc trong lòng nhiều du khách và thực khách khi đến Phan Thiết. Mỗi lần đến Mũi Né, du khách không thể bỏ qua cơ hội trải nghiệm món cá bớp đặc sản, mua về làm quà và trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình khám phá ẩm thực của họ.

Từ thông tin cho thấy mô hình này không chỉ là nguồn thu nhập cho các hộ nuôi mà còn góp phần bảo tồn môi trường biển và nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc phát triển bền vững. Đồng thời, góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương, giúp cải thiện đời sống.

Tạo thêm sản phẩm du lịch từ bè cá

Để nâng tầm “cá bớp Mũi Né” và thu hút du khách hơn nữa, việc tạo thêm sản phẩm du lịch từ những bè nuôi cá là rất cần thiết. Ngoài trải nghiệm ẩm thực, du khách muốn tham quan bè cá, tận mắt chứng kiến quy trình nuôi cá và tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc. Hoặc tự tay câu cá, mang lại trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên. Bởi môi trường sinh thái xung quanh các lồng nuôi cá bớp thu hút nhiều loại cá tự nhiên khác đến trú ngụ. Du khách có thể câu được các loại cá như cá chim, cá lão, cá hiếu, cá dìa… tạo thêm phần thú vị cho chuyến đi. Đồng thời, phục vụ món ăn chế biến từ cá bớp tươi ngon, hướng dẫn cách chế biến các món ăn từ cá bớp, từ đó hiểu rõ hơn về văn hóa ẩm thực địa phương. Cùng với các hoạt động giải trí như lặn biển… tạo sự hấp dẫn cho chuyến đi. Trong không gian biển và bè nuôi trên biển, du khách tự tay chụp lại góc ảnh, những khoảnh khắc đáng nhớ.

Được biết, không ít du khách muốn ra bè cá cùng ăn, cùng ở tại bè, nhưng chưa thể thực hiện được. Để thực hiện được điều này, cơ quan chức năng cần tổ chức các khóa tập huấn về kỹ thuật an toàn trong việc đưa khách ra vào bè nuôi, cũng như thời gian sinh hoạt trên bè cá. Việc này sẽ giúp xây dựng một mạng lưới dịch vụ du lịch đáng tin cậy và chuyên nghiệp. Mô hình gắn kết du lịch với nuôi cá bớp Mũi Né hứa hẹn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần vào sự phát triển du lịch và nuôi cá bớp tại Mũi Né, tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa hai lĩnh vực này.

Trang Minh