Phòng trừ đối tượng kiểm dịch thực vật trên cây thanh long
Kinh tế - Ngày đăng : 05:45, 07/10/2024
Các đối tượng kiểm dịch thực vật
Tại Việt Nam, phần lớn trái cây gồm thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, chuối… được xuất khẩu sang Trung Quốc. Những năm trước đây, nông sản xuất khẩu vào nước này khá dễ tính, không đòi hỏi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Tuy nhiên, thị trường này ngày càng có nhiều rào cản kỹ thuật, gây khó khăn trong việc xuất khẩu trái cây, trong đó có thanh long của tỉnh Bình Thuận.
Đáng chú ý, hiện nay cả ruồi đục trái và rệp sáp đều là đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc. Trong đó, ruồi đục trái gây hại quanh năm, mạnh nhất là từ tháng 5-9 trên nhiều loại cây ăn trái và rau ăn quả như bầu bí, khổ qua, ớt... Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, từ đầu năm 2024 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã có 3 văn bản đến Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Thuận, thông báo việc một số mã vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Vì vậy, được sự phân công của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2024 Chi cục thực hiện 2 mô hình phòng trừ đối tượng kiểm dịch thực vật trên thanh long. Hộ tham gia mô hình là ông Nguyễn Ngọc Suyền, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân và ông Huỳnh Cảnh, xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, diện tích thực hiện mô hình 1 ha/điểm.
Thời gian thực hiện từ tháng 7 - 11/2024. Mục đích nhằm hướng đến nông dân thay đổi nhận thức về sản xuất sạch, an toàn, bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường xuất khẩu nông sản, trong đó có sản phẩm thế mạnh là thanh long Bình Thuận. Theo ông Lê Hữu Nhiệm – cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trong quá trình thực hiện mô hình, chi cục phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi 1 ngày/tuần và ghi chép số liệu. Riêng hộ dân tham gia thực hiện mô hình trực tiếp kiểm tra thực hiện, chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
Đa dạng phương pháp phòng trừ
Chia sẻ về hiệu quả khi tham gia mô hình, ông Nguyễn Ngọc Suyền, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân cho biết: Trước khi thực hiện mô hình, nông dân trên địa bàn xã đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và phương pháp thực hiện mô hình. Qua đó, bà con được cung cấp những kiến thức, kỹ thuật cơ bản về cách phòng trừ các đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc đối với trái thanh long. Nhờ vậy, góp phần nâng cao nhận thức, đa dạng các phương pháp phòng trừ, tiêu diệt rệp sáp và ruồi đục trái gây hại, bảo vệ mùa màng của người dân.
Theo đó, một số biện pháp vật lý và cơ học để phòng trừ ruồi đục trái là nông dân nên thu gom trái rơi rụng và những trái bị hư thối trên cây cho vào túi nilon cột chặt và đào hố chôn hoặc đốt tiêu hủy. Về canh tác, tránh trồng xen với những cây đồng ký chủ như ổi, đu đủ, mận, khế, xoài… bởi chúng là nguồn lây lan và cư trú rất tốt cho ruồi đục trái. Bên cạnh đó bà con nên sử dụng bẫy canh tác bằng cách trồng một góc vườn với cây rau húng quế hoặc rau é tía như bẫy để thu hút ruồi đực và tiêu diệt chúng. Ngoài ra, bao trái là biện pháp ngăn chặn sự tấn công của ruồi đục trái. Biện pháp này được thực hiện từ khi hình thành trái non cho đến tận lúc thu hoạch bằng các loại bao chuyên dùng…
Riêng bệnh rệp sáp hại thanh long, nông dân thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, thu gom và tiêu hủy tàn dư xung quanh gốc thanh long, cắt bỏ những cành bị sâu bệnh, dọn sạch cỏ dại. Cùng với đó, tưới nước, bón phân đầy đủ nhằm hạn chế sự phát triển của rệp sáp. Nên sử dụng vòi bơm nước phun mạnh vào chỗ có nhiều rệp sáp đeo bám nhằm rửa trôi, tạo độ ẩm trên cây và giảm mật độ rệp sáp. Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm rệp gây hại nhất là trong mùa khô. Tỉa bỏ và tiêu hủy những bộ phận của cây nhiễm rệp sáp nặng...