Nỗi đau từ những vụ án mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn

Pháp luật - Ngày đăng : 05:19, 09/10/2024

Cũng như những đồng nghiệp khác, khi theo dõi một số phiên tòa xét xử, không ít lần tâm trạng tôi nặng trĩu, bởi có những vụ án chỉ bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt liên quan va chạm giữa 2 người, có thể bỏ qua, nhưng sau đó dẫn đến phạm tội. Tình trạng này nhiều nhất trong những phiên tòa xét xử với bị cáo là thanh, thiếu niên.
img_1371.jpg
Một trong những vụ án mâu thuẫn nhỏ, nhưng để lại hậu quả lớn.

Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa đưa ra xét xử 37 bị cáo trong vụ hỗn chiến làm 1 người tử vong xảy ra ở cầu Nam, khu vực giáp ranh huyện Bắc Bình và Tuy Phong mới đây là điển hình. Vào đêm 20/12/2023, Lê Minh Tuấn (SN 2002) ở Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình đến nhà Lê Văn Tuấn (SN 1994) ở Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong để tìm bạn gái là G.T.K.U (SN 2007) ở Phan Rí Cửa. Khi đến nơi thấy U đang ngồi nhậu chung với Lê Văn Tuấn và một số người khác nên Minh Tuấn ghen tức, gọi U ra ngoài nói chuyện thì xảy ra cãi nhau, Minh Tuấn tát U 2 cái rồi bỏ về. Khi thấy Minh Tuấn đánh U nên Văn Tuấn tức giận. Sau đó cả hai nhắn tin, gọi điện qua lại trên facebook và điện thoại thách thức, hẹn đánh nhau.

20240930_152331.jpg
20240930_152248.jpg
20240930_154003.jpg
Ông bà, cha mẹ của các bị cáo rất đau buồn khi con, cháu mình vướng vào vòng lao lý.

Chỉ có như vậy mà hai bên lên kế hoạch đánh nhau bằng cách rủ rê bạn bè, sử dụng hung khí như: dao, kiếm, súng… Kết quả để rồi có tới 37 bị cáo đứng trước Hội đồng xét xử, để nhìn ngẫm lại việc của mình làm, có đáng không khi bạn bè kẻ chết, người thương tật còn mình mang trọng án. Cụ thể, Nguyễn Văn Hùng tử vong, Lê Văn Hoài tổn thương cơ thể 81%; Phan Nguyên Ngọc Thạch và Lê Minh Tuấn lãnh tù chung thân, các bị cáo còn lại lãnh từ 6 – 16 năm tù. Chưa kể các bị cáo mang đến nỗi đau cho người thân, nhất là ông bà, cha mẹ, những người đã khóc cạn nước mắt vì “con dại cái mang”. “Chị buồn lắm! Chị sinh được 3 người con, 2 gái, 1 trai, một đứa con gái đã chết trong một vụ tai nạn giao thông, còn 2 đứa. Bây giờ, Phương lại vướng vào vòng lao lý tù tội, giờ chị không biết phải làm sao, cũng mong cho Phương chấp hành án tốt về với vợ con, gia đình”, chị Nguyễn Thị Nam, mẹ của bị cáo Trần Thanh Phương nghẹn ngào nói. Với bà Phạm Thị Minh Tâm, mẹ của Lê Minh Tuấn rụng rời chân tay sau khi nghe tòa tuyên án. Bà kể: “Khi sinh Tuấn ra không bao lâu thì chồng bà bỏ đi, Tuấn ở với bà ngoại. Bà vào TP.HCM bán vé số, trước khi ra đầu thú, Tuấn vào TP.HCM thăm bà lần cuối”. Ngoài sự đau khổ của cha mẹ, ông bà cũng đau khổ khi thấy cháu mình vướng vào trọng án. Bà Lê Thị Tư - ngoại của Minh Tuấn khóc không thành tiếng trước cổng tòa, cách đó không xa là U, người bạn gái của Tuấn cũng cảm thấy áy náy, khóc nhiều.

Điểm chung những vụ đánh nhau giữa các thanh, thiếu niên, chỉ xuất phát từ những mâu thuẫn, va chạm nhỏ trong đời thường, nhưng đã thông qua mạng xã hội tập hợp thành nhóm, dùng vũ khí tự chế gây rối trật tự công cộng và gây thương tích cho người khác. Hệ lụy là người bị thương tật nghiêm trọng, mất mạng; kẻ chịu sự trừng phạt của pháp luật và để lại những nỗi đau cho người thân.

Để những mâu thuẫn nhỏ không dẫn đến hậu quả lớn, ngoài công tác tuyên truyền pháp luật của cơ quan chức năng thì khi phát hiện xảy ra mâu thuẫn, người thân, bạn bè của các đối tượng cần khuyên răn, ngăn chặn kịp thời. Đối với thanh, thiếu niên, nhất là học sinh, sinh viên, cần được giáo dục ngay từ gia đình, nhà trường để giúp các em hiểu được hậu quả để lại từ những cơn nóng giận nhất thời. Bởi mọi sự nóng giận đều khiến mỗi người phải trả giá rất đắt bằng tính mạng, sức khỏe và những bản án nghiêm khắc của pháp luật.

Ninh Chinh