Luật Việc làm: Bảo đảm quyền làm việc và tạo thuận lợi cho người lao động
Xã hội - Ngày đăng : 05:37, 09/10/2024
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Theo đánh giá của Sở LĐ, TB&XH, thực hiện Luật Việc làm từ năm 2013 đến nay, Sở đã triển khai kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành đến UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở thường xuyên tư vấn, hướng dẫn, trợ giúp các doanh nghiệp trong giải quyết chế độ chính sách đối với người lao động về hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, về việc làm, xuất khẩu lao động... Qua đó, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa ổn định trong doanh nghiệp, quyền lợi của người lao động được đảm bảo. Song song, thực hiện các quy định của Luật Việc làm cho thấy chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm đạt và vượt kế hoạch đề ra. Số lượng người lao động khu vực nông thôn được tư vấn, giới thiệu việc làm tăng cao qua các năm. Tính chung trong giai đoạn 2014-2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho gần 248.000 lao động, đạt 106,8% kế hoạch. Riêng 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 21.300 lao động, đạt 106,35% so kế hoạch năm và bằng 121,61% so với cùng kỳ năm 2023.
Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Quốc tế Right Rich - KCN Hàm Kiệm II.
Về chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gần 10 năm qua, toàn tỉnh có gần 1.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu tại các thị trường thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, CHLB Đức… Các thị trường lao động tham gia phần lớn có thu nhập cao, ổn định và có điều kiện làm việc trong môi trường công nghệ tiên tiến, an toàn; đảm bảo nâng cao trình độ tay nghề và thu nhập... Kết quả của chương trình đã giúp cho nhiều gia đình thoát cảnh khó khăn có mức sống khá hơn; góp phần tăng trưởng kinh tế, các vấn đề xã hội có chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, bộ mặt ở nông thôn ngày càng khởi sắc.
Đối với chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, hàng năm, UBND tỉnh có có văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp thực hiện việc tiếp nhận và đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên, đảm bảo quyền lợi học nghề cho thanh niên theo quy định. Ngành nghề đào tạo được doanh nghiệp tuyển dụng chủ yếu tập trung trong lĩnh vực du lịch, sản xuất chế biến. Số lao động qua đào tạo nghề được doanh nghiệp tuyển dụng đạt trên 70%...
Những khó khăn, hạn chế
Theo Sở LĐ, TB&XH, qua quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế, bất cập. Nổi rõ, việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề và việc làm, định hướng nghề tại một số địa phương chưa sát với thực tiễn và hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, chưa mạnh dạn nghiên cứu và đề xuất các nghề mới. Đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo nghề ở cấp huyện kiêm nhiệm nhiều việc nên công tác quản lý, kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Chưa kêu gọi được các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho các vùng sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là thực hiện các chương trình tập huấn, mô hình trình diễn khuyến nông, khuyến ngư. Một số chính sách ưu đãi phát triển xã hội hóa dạy nghề như: đất đai, thuế, tín dụng… đã ban hành nhưng chưa thu hút nhiều các tổ chức, cá nhân tham gia để phát triển đào tạo nghề.
Mặt khác, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh còn hạn chế. Chất lượng lao động thấp; lao động tham gia vào thị trường có thu nhập cao chưa nhiều (khoảng 30 - 35%/tổng số người đi lao động nước ngoài). Hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ, năng lực, sức cạnh tranh yếu. Quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa được bảo đảm thỏa đáng; một số lao động ý thức kỷ luật, tác phong làm việc còn hạn chế; vi phạm kỷ luật lao động và luật pháp nước sở tại... làm giảm uy tín, hình ảnh của lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Nhiều kiến nghị, đề xuất
Trước những khó khăn hạn chế trên, để Luật Việc làm được triển khai hiệu quả hơn trong thời gian đến, tỉnh đã có nhiều kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động. Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn, tỉnh kiến nghị cần có quy định cụ thể về chính sách phát triển việc làm chung của Nhà nước, trong đó Nhà nước không chỉ có trách nhiệm tạo việc làm mà phải có trách nhiệm định hướng phát triển việc làm hướng tới thúc đẩy và bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động.
Đồng thời, bổ sung quy định về chính sách phát triển việc làm theo ngành, vùng kinh tế; chính sách hỗ trợ việc làm đối với lao động tự làm, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao…; hỗ trợ chuyển dịch việc làm ở khu vực nông thôn; quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ việc làm của Nhà nước. Mặt khác, rà soát, bổ sung thêm quy định về chính sách việc làm cho các đối tượng đặc thù khác như: lao động là người dân tộc thiểu số, thanh niên, lao động khuyết tật, lao động nữ.
Liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động, đề nghị Trung ương xem xét phân bổ Quỹ quốc gia về việc làm cho tỉnh để tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương. Về chính sách hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tỉnh đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo hướng có lợi nhiều hơn cho người lao động trong trường hợp phải về nước do nguyên nhân khách quan, không phải do lỗi của người lao động; bổ sung quy định về đưa lao động đi làm việc thời vụ ở nước ngoài...
Xuất phát từ những hạn chế bất cập đã nêu, Bộ LĐ, TB&XH đã đề xuất sửa đổi Luật Việc làm năm 2013, dự thảo gồm 8 chương, 145 điều. Bên cạnh các quy định chung, Bộ còn đề xuất các quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; dịch vụ việc làm...
Sửa đổi Luật Việc làm khắc phục hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực. Vào cuối tháng 9/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc sửa đổi Luật góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là đối với các Luật mới được sửa đổi, bổ sung (Bộ luật Lao động 2019, Luật Cư trú 2020, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 …). Đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động...
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục rà soát nội dung dự thảo luật, đối chiếu với các luật khác như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Người cao tuổi… để tránh chồng chéo, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đặc biệt, dự thảo Luật có nêu chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần xác định rõ ràng hơn nữa cách thức thực hiện tham gia chuyển đổi nghề nghiệp. Cần xem xét kỹ việc sửa đổi lần này có khắc phục được những vướng mắc hiện nay đối với bảo hiểm thất nghiệp hay không...