Xuất khẩu lao động - Giải pháp thiết thực tạo việc làm có thu nhập cao

Xã hội - Ngày đăng : 05:47, 10/10/2024

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH), thời gian qua, tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đã giúp cho người lao động có thu nhập cao hơn, ổn định, đảm bảo đời sống của bản thân và gia đình. Từ đó, góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Gần 1.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Trong những năm qua, công tác lao động việc làm và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự nỗ lực, cố gắng của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, chỉ tiêu giải quyết việc làm cho lao động đạt kế hoạch đề ra; trong đó, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh đang được coi là một trong những giải pháp tạo việc làm có mức thu nhập cao; góp phần giảm nghèo bền vững, thay đổi tư duy, trình độ sản xuất của người lao động, người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

z4312843417029_4c4cc0d67b1ee1f6e75aff81b6bb8eae.jpeg
Lao động tỉnh đi làm việc tại Nhật Bản.

Theo Sở LĐ, TB&XH, qua công tác thống kê, theo dõi thì số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Gần 10 năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện đưa gần 1.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu tại các thị trường thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, CHLB Đức… Đặc biệt, giai đoạn 2020 - 2023, tỉnh có hơn 990 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó riêng năm 2023, tổng số lao động tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 451 người, tăng 71% so với năm 2022. Chủ yếu là lao động sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ với các ngành nghề như điều dưỡng, sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp…; trong đó Nhật Bản vẫn là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhiều nhất với 308 người.

Theo khảo sát của Sở, tùy theo từng thị trường lao động, thu nhập bình quân của người lao động từ 20 triệu đồng đến 35 triệu đồng/tháng; trung bình 3 năm làm việc tại nước ngoài, người lao động có thể tích lũy được từ 500 - 700 triệu đồng. Tính chung, người lao động đi làm việc ở nước ngoài thu nhập bình quân cao hơn từ 5 đến 8 lần so với thu nhập trong nước. Từ đó, người lao động đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ ngân hàng, có tiền gửi về gia đình sửa chữa, xây dựng nhà ở khang trang, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, sau khi trở về địa phương, người lao động có trình độ nghề nhất định, có thể tham gia làm việc tại các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, giúp cho người lao động rèn luyện được tác phong làm việc khoa học, được tiếp cận phương thức sản xuất tiên tiến, thông thạo ngoại ngữ. Mặt khác, khi người lao động có việc làm ổn định, thu nhập cao sẽ hạn chế nảy sinh các vấn đề tệ nạn xã hội, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Qua đó, tỉnh có được nguồn lao động chất lượng cao có kỹ năng thực hành tốt, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; góp phần thực hiện hoàn thành Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

Quyền lợi của lao động được bảo đảm

Sở LĐ, TB&XH đánh giá thời gian qua, nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của các cấp, các ngành ngày càng được nâng lên. Từ đó đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là về thủ tục hồ sơ pháp lý. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thực hiện nghiêm túc; quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được bảo đảm. Mặt khác, ngày càng có nhiều lao động chủ động hơn trong việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin về thị trường lao động ở nước ngoài. Qua đó, lựa chọn các thị trường có chất lượng, thu nhập cao để đăng ký tham gia; hầu hết lao động đều chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật của nước sở tại; chưa phát hiện tình trạng bị lừa đảo.

Tuy nhiên, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh còn ít, chất lượng lao động còn thấp, tham gia vào thị trường có thu nhập cao chưa nhiều (khoảng từ 30 - 35%/tổng số người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng). Bên cạnh đó, doanh nghiệp hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh nên việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ, nhất là tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng... tại một số địa phương còn hạn chế, chưa phong phú về nội dung và hình thức nên chưa thu hút nhiều lao động tham gia. Mặt khác, thị trường lao động thời gian qua vẫn tập trung chủ yếu ở Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, một số nước ở Trung Đông, châu Phi. Các thị trường Tây Âu và Bắc Mỹ ít được các doanh nghiệp khai thác...

Ưu tiên thị trường có thu nhập cao, an toàn

Thời gian tới, Sở LĐ, TB&XH sẽ tiếp tục tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới cho toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tuyên truyền sâu rộng trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người lao động và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gắn với việc giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc khi ra nước ngoài làm việc. Đồng thời, chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi quá trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên đưa lao động đi làm việc ở những thị trường lao động có thu nhập cao, an toàn.

Bên cạnh đó, rà soát, đề xuất Trung ương bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Triển khai đầy đủ và kịp thời các chính sách, điều kiện tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Công khai, minh bạch các khoản phí do Trung ương quy định. Triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động, ưu tiên quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tham mưu sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực này khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài trở về tham gia thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.

Song song, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Phân công, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo đúng quy định pháp luật. Tăng cường công tác quản lý, bảo hộ công dân đối với lao động của tỉnh ở nước ngoài phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Chủ động đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm pháp luật...

KIM ANH