Cần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở Phan Tiến
Dân tộc - Phát triển - Ngày đăng : 05:54, 10/10/2024
Phan Tiến là một trong những xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao của huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, tập trung nhiều dân tộc anh em gồm: Kinh, Cơ Ho, Raglay, Tày, Nùng, Chăm...Toàn xã có hơn 500 hộ/2.091 khẩu chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Cũng như những xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, những năm qua Đảng và Nhà nước nói chung, địa phương nói riêng rất quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần. Trong đó, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, góp phần nâng cao diện mạo địa phương. Nhờ đó người đồng bào yên tâm tăng gia sản xuất, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Tuy vậy so với các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số khác, Phan Tiến vẫn còn hạn chế trong phát huy tinh thần tự lực, tự cường phát triển văn hóa - xã hội địa phương. Nhất là trong phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc truyền thống. Điều này được chính người dân trong xã nhận thấy, qua việc sáng tạo, thực hành, trao truyền văn hóa. Bà Cao Thị Thạch, thôn 1, xã Phan Tiến kiến nghị với Đoàn Đại biểu Quốc hội: “Cho đến nay văn hóa – xã hội ở Phan Tiến vẫn chưa được nâng cao, trong đó có việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống. Ở các xã khác như Sông Bình, Sông Lũy… họ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của mình bằng việc xây dựng các hội, nhóm, câu lạc bộ hát Then. Nhưng, Phan Tiến không có, ngoại trừ Tết Đầu lúa của người đồng bào Raglay, Cơ Ho, mỗi năm tổ chức một lần luân phiên trong 4 xã Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Điền và Phan Tiến”.
Theo công chức văn hóa xã Phan Tiến, đặc thù của xã Phan Tiến có nhiều người biết chơi nhạc cụ dân tộc như: Đinh thớt, Kèn bầu, Đồng la nhưng để tổ chức thành câu lạc bộ phải có kinh phí mới khuyến khích tập hợp được người tham gia, trao truyền văn hóa.
Điều này thể hiện người đồng bào dân tộc thiểu số Phan Tiến mong muốn địa phương mình phát huy hơn nữa giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, xa đô thị, hoạt động văn hóa chỉ tập trung vào ngày lễ, tết. Ngày bình thường, người dân chỉ biết từ nương rẫy về nhà và ngược lại, không biết đi đâu để thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi.
Ông Bùi Tấn Vinh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Bình chia sẻ với khó khăn của người dân Phan Tiến khi nhấn mạnh, văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với nhiều cách hiểu khác nhau liên quan đến mọi đời sống vật chất và tinh thần của con người. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách giao cho các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Cụ thể, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều tiểu tiêu chí phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội nông thôn. Chính quyền các cấp từ huyện đến xã đã bám sát các tiêu chí này thực hiện. Hiện ở Phan Tiến có nhiều đồng bào dân tộc, hàng năm địa phương cùng với các xã khác tổ chức Tết Đầu lúa, chính quyền các cấp rất quan tâm, có nhiều hỗ trợ, khuyến khích đồng bào giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Song, để giữ gìn và phát huy tốt giá trị văn hóa nghệ thuật, không ai khác ngoài chủ thể chính là người dân tộc địa phương mình, ông Vinh nói thêm.
Đồng thời, ông dẫn chứng một số xã có đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống như: Tết Katê, nghệ thuật làm gốm ở các xã đồng bào Chăm, Tết Đầu lúa ở các xã có đông người Raglay, Cơ Ho... Ngoài ra còn có đội hát Then ở xã Sông Bình, Sông Lũy. Ông đề nghị, Phan Tiến cần phát huy nội lực của mình trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của mình gắn với phát triển nông thôn mới.
Theo đó, để thành lập câu lạc bộ, nhóm, hội sinh hoạt văn hóa nghệ thuật truyền thống, Phan Tiến cần triển khai đồng bộ các giải pháp, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người đồng bào dân tộc thiểu số trong bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa. Vì văn hóa của các dân tộc Việt Nam được coi là nguồn cội, là nguồn lực và sức mạnh mềm trong phát triển. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là một nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài được Đảng, Nhà nước đặt ra trong mọi thời kỳ. Tích cực khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân trao truyền văn hóa là việc cần làm...
Bà Bố Thị Xuân Linh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đại biểu Quốc hội thông tin. Thời gian qua Đảng, Nhà nước ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách liên quan chăm lo đời sống, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Các tỉnh đã triển khai, trong đó có Bình Thuận, hiện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã đi khảo sát các xã thực hiện chương trình này. Khi kết thúc khảo sát, Ủy ban Mặt trận sẽ có buổi làm việc với Ban Dân tộc tỉnh có kết luận chính xác về việc triển khai chương trình này đến đâu, thiếu và vướng những gì.