Để cao tốc là cung đường an toàn
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:00, 11/10/2024
Tuy nhiên, các chuyên gia ngành giao thông công chánh trên thế giới đang cảnh báo về tình trạng không đạt tiêu chuẩn an toàn của nhiều tuyến cao tốc tại Việt Nam, chủ yếu do thiết kế và chất lượng xây dựng chưa đảm bảo. Một số tuyến cao tốc chỉ có hai làn xe, không có làn dừng khẩn cấp, thiếu dải phân cách cứng và hệ thống chiếu sáng không đạt yêu cầu, dẫn đến nguy cơ cao về tai nạn giao thông. Các báo cáo của Ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho thấy đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng tại những tuyến đường này, đặc biệt là những tuyến mới đưa vào khai thác.
Riêng tại Bình Thuận, sau khi cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đưa vào hoạt động đến nay, các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự bất cập trong cơ sở hạ tầng và ý thức của tài xế. Tuyến đường này đã xảy ra 16 vụ TNGT trong 9 tháng năm 2024, làm chết 10 người và bị thương 8 người. Đặc biệt, từ ngày 18/9 đến 24/9/2024, xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng, gây thương vong lớn. Đặc biệt, các vụ tai nạn thường xảy ra vào ban đêm, khi tầm quan sát bị hạn chế, dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng như xe khách đâm vào đuôi xe khác.
Theo các chuyên gia, cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết không ít đoạn chỉ đầu tư quy mô hai làn xe, không đạt đúng chuẩn cao tốc. Một trong những điểm yếu chính của tuyến cao tốc này là thiết kế hạ tầng với làn đường, không có làn dừng khẩn cấp, và thiếu hệ thống chiếu sáng, gây nguy hiểm cho tài xế, đặc biệt là vào ban đêm. Theo thống kê, hầu hết các vụ tai nạn đều xảy ra vào khung giờ từ 23 giờ đến 5 giờ sáng, khi tầm nhìn bị hạn chế và tài xế có thể dễ dàng mất tập trung hoặc buồn ngủ. Ý thức của tài xế là một nguyên nhân quan trọng. Nhiều tài xế không giữ khoảng cách an toàn và thao tác không hợp lý, dẫn đến các vụ đâm đuôi xe chạy phía trước.
Để cải thiện an toàn giao thông trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, nhiều giải pháp đã được đưa ra từ Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận. Trước hết, cần khẩn trương xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng tại các nút giao để tăng cường tầm nhìn cho lái xe vào ban đêm, lắp đặt hợp lý hệ thống đèn tín hiệu giao thông, yêu cầu người điều khiển các phương tiện sử dụng biển báo hiệu nguy hiểm khi dừng đỗ trên đường.
Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống camera giám sát giao thông cũng rất quan trọng để phát hiện và xử lý các vi phạm trong điều kiện giao thông. Những trạm dừng nghỉ cũng cần được xây dựng nhằm tạo điều kiện cho lái xe có thể nghỉ ngơi, giảm thiểu nguy cơ buồn ngủ trong quá trình di chuyển.
Ngoài ra, cần có sự siết chặt trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, và tăng cường giám sát hành trình của các xe, đặc biệt là xe khách. Cuối cùng, cần phải thường xuyên rà soát và khắc phục các bất cập về cơ sở hạ tầng giao thông, như lắp đặt phù hợp biển báo hạn chế tốc độ và bảo đảm an toàn cho các lái xe khi lưu thông.
Người tham gia giao thông phải luôn chủ động trau rèn và thực hành đúng các quy tắc giao thông, đặc biệt là quy tắc giữ khoảng cách, tuân thủ tốc độ, các quy tắc khi vượt xe, chuyển làn, chuyển hướng, thắt dây an toàn, không sử dụng điện thoại, sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em. Mọi vi phạm quy tắc giao thông đều làm gia tăng rủi ro dẫn tới tai nạn.
Theo các chuyên gia, những người mới lái xe hoặc chưa từng lái trên cao tốc, nên có người lái xe kinh nghiệm bổ túc tay lái trên cao tốc trước khi tự lái. Tốc độ cao là nhân tố có thể hủy diệt mọi thứ. Người lái cần chủ động giảm tốc và duy trì ở mức hợp lý kể cả khi có thể đi nhanh hơn. Tốc độ giới hạn không có nghĩa là khuyến khích người điều khiển xe hướng tới mức tối đa. Các chuyên gia an toàn giao thông thường khuyến cáo đi thấp hơn tốc độ giới hạn (tùy theo điều kiện cụ thể), nhưng không thấp hơn tốc độ tối thiểu. Tóm lại, để cao tốc là cung đường an toàn, ba yếu tố hàng đầu cần tuân thủ, đó là ý thức, kỹ năng của lái xe, chất lượng phương tiện và hạ tầng giao thông.