“Lầu Ông Hoàng đó thuở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua”…

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:41, 11/10/2024

Tháng 4/1965, nhạc phẩm “Hàn Mặc Tử” do chính tác giả là nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (người nhạc sĩ gốc Phan Thiết) xuất bản. Có thể nói người ta biết tên Trần Thiện Thanh qua bài hát Boléro này.

Trước 1975, nhạc sĩ miền Nam thường chọn giai điệu Boléro để chuyển tải những câu chuyện tình, nó thuộc loại “Truyện ca” như: Đồi thông hai mộ, Chuyện tình Lan & Điệp, Những đồi hoa sim, La Tha xóm đạo, Chuyện người con gái hái sim… Nghĩa là những câu chuyện tình có éo le, trắc trở, có sinh ly, tử biệt… Tình khúc “Hàn Mặc Tử” trong giai điệu Boléro Lente đã đem đến cho người nghe cảm nhận được từ ca từ lẫn giai điệu, diễn tả trọn vẹn mối tình Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm, một mối tình thơ, đầy tính lãng mạn ở thành phố biển mặn, thấm đẫm nắng, và gió cát: Phan Thiết.

z5959545131535_7c22a29c09ad505a581d731daa253780.jpg
Lầu Ông Hoàng - nơi Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử từng đặt chân đến.

Nhắc lại câu chuyện cũ: Thuở ấy, Hàn Mặc Tử phụ trách trang thơ trên báo, có mục “Khuê Phòng”. Trang thơ này do Bích Khuê làm chủ bút. Mộng Cầm đã gởi thơ từ Phan Thiết vào Sài Gòn để đăng (Bích Khuê là cậu Mộng Cầm), tất cả những bài thơ của Mộng Cầm gởi đi, đều qua tay của Hàn Mặc Tử tuyển chọn và giới thiệu. Thời gian này là khoảng năm 1934. Cũng từ đó, “duyên thơ” đã bắt đầu, và Hàn Mặc Tử vội tìm ra Phan Thiết để gặp nhà thơ Mộng Cầm, và cũng từ đây mối tình chớm nở!

Những cuộc dạo chơi giữa Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm ở Lầu Ông Hoàng tưởng là hạnh phúc, nhưng nào ngờ Hàn Mặc Tử nhuốm bệnh phong, và ông đã từ giã Phan Thiết từ năm 1936 để về Quy Nhơn chữa bệnh.

Trong thời gian này, ông vượt qua bệnh tật để xuất bản tập thơ đầu tay là “Gái quê”. Tôi không có cái may mắn đọc thơ Mộng Cầm, chắc là những bài thơ hay lắm, mới lay động thi sĩ họ Hàn, nên chàng lặn lội từ Sài Gòn ra Phan Thiết cách xa 200 cây số để diện kiến nàng thơ Mộng Cầm và rồi Lầu Ông Hoàng là chứng tích nơi hò hẹn của hai tao nhân mặc khách.

Vỏn vẹn có hai năm (1934-1936), nhưng Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm đã làm nên một mối tình, tưởng “chỉ có chết mới chia lìa đôi lứa” đã làm tốn bao nhiêu giấy bút, làm xuyến xao cõi lòng những người yêu mến thi nhân của phong trào thơ mới, với những bài thơ tình lãng mạn của một thời.

Có một điều rất lạ, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết về mối tình của thi sĩ họ Hàn cùng người đẹp họ Mộng, anh chỉ dùng một tựa đề rất ngắn là “Hàn Mặc Tử”, so với nhạc phẩm viết về Mộng Cầm: “Tâm sự Mộng Cầm”. Có lẽ, chỉ cái tên “Hàn Mặc Tử” mà không cần thêm đầu, thêm cuối, cũng đã đủ để nói lên tất cả những điều muốn nói về người thi sĩ này?

Từ đầu năm 1956, 1957, hầu như nhạc sĩ miền Nam sáng tác thường chọn giai điệu Boléro, sử dụng Gamme La Thứ, Ré Thứ (hai Gamme này, thường làm người nghe có cảm giác buồn), nhưng ở tình khúc “Hàn Mặc Tử”, Trần Thiện Thanh chọn Gamme Do Thứ, trong giai điệu Boléro Lente (chậm) và mở đầu bằng một “khai túc khấu” (Prélude), đã làm thuyết phục người nghe:

“… Ai mua trăng, tôi bán trăng cho/ Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ/ Ai mua trăng, tôi bán trăng cho/ Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò…”

Và ngay trong nhịp đầu của Boléro Lente, bắt đầu bằng câu dẫn nhập, dù có hơi bất ngờ, nhưng nhờ giai điệu, đã dẫn dắt người nghe tình khúc này, như một lời kể một câu chuyện tình chậm và đều:

“… Đường lên dốc đá/ Nửa đêm trăng tà, nhớ câu chuyện xưa/ Lầu Ông Hoàng đó, thuở nao chân Hàn Mặc Tử đã qua/ Ánh trăng treo nghiêng nghiêng bờ cát dài thêm hoang vắng/ Tiếng chim kêu đau thương như nức nở giữa trời sương/ Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người tìm về giữa đêm buồn/ Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến/ Tình yêu vừa chớm xót xa cho chàng cuộc sống phế nhân/ Tiếc thay cho thân trai một nửa đời chưa qua hết/ Trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan/ Hồn ngất ngây điên cuồng cho trời đất cũng tang thương/ Mà khổ đau niềm riêng…”.

  Có thể nói, tình khúc “Hàn Mặc Tử” đã cho chúng ta nghe “Lịch sử một câu chuyện tình” đầy bi thương, nhưng không bi lụy, và những ngày yêu dấu ấy rồi cũng sẽ qua, chỉ còn lại Hàn Mặc Tử mang một nỗi đau khôn nguôi khi từ biệt Phan Thiết, để rồi không bao giờ hẹn ngày trở lại:

“… Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ giấu thân nơi nhà hoang/ Mộng Cầm hỡi, thôi đừng thương tiếc, tủi cho nhau mà thôi/ Tình đã lỡ, xin một câu hứa kiếp sau ta trọn đôi/ Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi…”.

  Hàn Mặc Tử qua đời năm 1940 tại Quy Nhơn, và mãi đến 67 năm sau (2007) Mộng Cầm cũng vĩnh biệt Phan Thiết, hai người đã gặp nhau ở phía bên kia thế giới!

Sinh thời, Hàn Mặc Tử yêu trăng, say trăng, và tình khúc “Hàn Mặc Tử” trong cái “Pour finir” (Để kết thúc) rất có hậu:

“…Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ/ Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng…”.

  Nghe “Hàn Mặc Tử” để nhớ Phan Thiết, một thành phố biển với một mối tình đã đi vào thơ ca.

TRẦN HỮU NGƯ