Bao la tình thương nơi cha mẹ

Đời sống - Ngày đăng : 05:56, 11/10/2024

Trong cuộc sống thường nhật, biết bao bậc cha mẹ đã thật sự thương con. Điều ấy biểu hiện ở những tình cảm, sự quan tâm, chăm lo cho con từ nhỏ, mãi đến khi con khôn lớn, trưởng thành. Tình thương ấy từ cha mẹ đối với con không thể nào đong đếm được.

Sự đồng hành của cha mẹ cùng con

Ngay từ lúc mới phôi thai, con nằm trong lòng, được sự dưỡng nuôi từ mẹ. Con chào đời trong vòng tay của mẹ và những người thân yêu trong gia đình. Con chập chững bước đi những bước đầu tiên trong đời có sự dõi theo đầy yêu thương của cha mẹ. Con đến trường mầm non, rồi vào lớp 1 có sự dắt tay của mẹ, của cha. Chén cơm con ăn từ những ngày thơ ấu gói những tình cảm yêu thương của mẹ, của cha trong lao động để từ đó, làm nên. Những ngày con đau ốm, có mẹ có cha túc trực bên cạnh, chăm lo thuốc thang, chén cháo.

cha-em.jpg
Ảnh minh họa.

Ở hành trình học tập nhiều năm, con cũng được sự đồng hành của cha mẹ, từng hôm, đưa con đến trường, dẫu ngày nắng, lẫn ngày mưa, từ những năm đầu cấp tiểu học đến những năm lớn hơn một chút. Những ngày con thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, nhiều bậc cha mẹ vẫn lặng lẽ chờ con, dõi theo từng buổi thi của con; rồi hồi hộp chờ hỏi thăm tình hình làm bài của con, nóng lòng chờ kết quả.

Ở biết bao bậc làm cha mẹ, lo từng bước lớn lên của con mỗi ngày như là một bổn phận, song thẳm sâu hơn, lại chính từ tình thương, từ tấm lòng thật sự thương yêu con mình của những bậc sinh thành.

Dẫu khó khăn, vẫn có cha mẹ đồng hành

Quan sát quanh mình, người viết bài thấy được: Đôi vợ chồng trẻ, cả hai đều câm điếc, đến với nhau từ việc làm chung ở một cơ sở làm tranh cát. Đôi vợ chồng trẻ ấy có con nhỏ, và chịu khó làm lụng để lo cho con. Thời buổi làm tranh gặp khó khăn, sáng, cả hai bán xe cà phê trên đường lớn, chiều bán xe nước ngọt ở bãi biển Thương Chánh. Con nhỏ của hai cháu này khỏe mạnh bình thường. Cháu nói được, nói rõ ràng, bởi cháu được tiếp xúc với những người mỗi ngày trò chuyện cùng cháu. Ngày qua ngày, cháu học nói từ ông bà nội ngoại. Chỉ tiếc là, cha mẹ cháu, không nghe được tiếng nói bi bô vô cùng đáng yêu của con, mà chỉ cảm nhận được giọng nói của con qua đôi môi mấp máy cùng nét mặt và những cử chỉ thật dễ thương của con mình.

Một hoàn cảnh khác, con gái lập gia đình, sớm có con nhỏ. Chồng đi biển, ông bà ngoại phải đến trông giúp cháu ngoại, để mẹ cháu còn đi làm, cùng chồng lo cho con. Ông ngoại chạy xe ôm, bà ngoại làm công nhân cơ sở chế biến hải sản vẫn thu xếp thời gian để lo giúp cháu ngoại, đỡ dần cho con mình, những ngày ông bà còn khỏe mạnh.

Con dẫu lớn, vẫn là con của cha mẹ

Người viết bài có một người quen, chị là chủ một tiệm tạp hóa lớn của Phan Thiết. Hai con chị, một trai một gái, học Đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Ra trường, cháu trai làm việc ở thành phố, cháu gái làm việc ở nước ngoài. Cứ mỗi tối, hai cháu gọi videocall cho mẹ, hỏi thăm sức khỏe mẹ, nói tình hình sức khỏe mình. Biết được tình hình sức khỏe của con, hiểu được phần nào công việc của con giúp chị yên tâm, khi mà con ở xa, không kề cận để chị chăm lo như ngày xưa hai cháu còn nhỏ nữa. Ngược lại, cháu gái dặn mẹ mua thuốc này dùng, hạn chế dùng loại thực phẩm khác để giữ gìn sức khỏe. Chị cảm thấy ấm lòng.

Lại có anh bạn quen, đã về hưu, có hai cháu ngoại. Ngày ngày, anh chở cháu đến trường, rồi đón về mỗi chiều, giúp cho con gái, bởi con anh bận đi làm. Giống như không ít gia đình, ông bà nội, ngoại phụ với con, đưa đón cháu mỗi ngày. Việc làm đều đặn ấy cũng đi từ sự thương yêu con mình mà ra, giúp con một đôi việc theo tình hình sức khỏe, để con có nhiều thời gian lo mưu sinh.

“Cha mẹ thương con như biển hồ lai láng”, câu nói ấy vẫn đúng ở bao đời. Tình thương con nơi cha mẹ vẫn mãi bao la, dẫu có trải qua bao khó khăn, nghịch cảnh, đi qua bao chuyện không may trong đời. Và cả khi con có những lỗi lầm, thì tình thương từ cha mẹ đối với con mình, vẫn mãi không sao vơi cạn.

Phúc Nhân