Hiệu ứng tâm lý đám đông
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 06:01, 11/10/2024
Tôi tìm hiểu về ngữ liệu trích dẫn, đó là bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của tác giả Tô Hà, trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5, tập 1, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, do Bùi Mạnh Hùng làm tổng chủ biên và Trần Thị Hiền Lương làm chủ biên, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2024. Hóa ra đã có một luồng sóng dư luận chê, khen bài thơ ầm ĩ, tính đến ngày 3/10, trên một fanpage về giáo dục chia sẻ gần 300.000 lượt theo dõi cùng dòng chú thích: “Thơ thế này cũng đưa vào sách giáo khoa cho học sinh là sao?”. Bài đăng ghi nhận hơn 5,8 ngàn lượt phản hồi, trong đó nhiều bậc cha mẹ cho rằng tác phẩm gây khó hiểu trong cách dùng từ, gieo vần. “Đã là thơ thì vần điệu dễ hiểu, mà sách ghi bài thơ vừa lủng củng vừa khó hiểu (…), như: "Cánh sẻ vụt qua song/ Hót nắng vàng ánh ỏi/ Các bé vẫn lặng chăm/ Nhìn theo cô mấp máy". Ngược lại với những phản bác trên, nhiều ý kiến khen bài thơ xúc động bởi ý nghĩa nhân văn mà Tô Hà làm được. “Tôi thật sự đau lòng khi bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của tác giả Tô Hà bị hàng ngàn người trong nhóm Giáo viên Việt Nam chửi rủa. Họ chửi rủa nhà thơ, họ mạt sát người biên soạn, họ căm phẫn BGD”(1).
Xem qua, thấy chung quy nổi lên một số ý kiến như vậy, tôi trao đổi với anh bạn về ý kiến của mình, dạy tác phẩm văn chương cần dựa vào một số tiêu chí cơ bản tối thiểu để tìm hiểu phân tích. Trước tiên về hoàn cảnh sáng tác, bài thơ Tiếng hạt nảy mầm trích từ tập Hương cỏ mặt trời của nhà thơ Tô Hà xuất bản năm 1978(2); cảm hứng chủ đạo viết về cô giáo dạy lớp học sinh khiếm thính: “Mắt sáng, nhìn lên bảng/ Lớp mươi nụ môi hồng/ Đôi tay cô cụp mở/ Báo tưng bừng thanh âm./ Cánh sẻ vụt qua song/ Hót nắng vàng ánh ỏi/ Các bé vẫn lặng chăm/ Nhìn theo cô mấp máy./ Sau ngón tay cô đấy/ Là tiếng hạt nảy mầm/ Tiếng lá động trong vườn/ Tiếng sớm mai mẹ gọi./ Tiếng cuộc đời sâu vợi/ Con tàu biển buông neo/ Ngôi sao mọc rừng chiều/ Vó ngựa ran vách đá./ Bao nghĩ suy vất vả/ Trong mắt người lo toan/ Để từng âm có nghĩa/ Bật lên từ môi em./ Nghe cánh vỗ chim non/ Trước diệu kì tiếng hót/ Giữa hồn nhiên lớp học/ Ai nụ cười rưng rưng”. Cảm xúc chính ở bài thơ là lòng cảm phục, trân trọng, ngợi ca nét đẹp tài năng của cô giáo dạy học sinh lớp khiếm thính (điếc) với ngôn ngữ ký hiệu bằng động tác – chỉ bằng đôi tay thôi nhưng cô đem cho học sinh điếc hiểu được nội dung diễn đạt bằng ngôn ngữ âm thanh của thế giới loài người. Sĩ số lớp học không nhiều, chỉ “mươi nụ môi hồng” (nói hoán dụ), “mắt sáng”, rất ngoan ngoãn, “lặng chăm/ nhìn theo cô” hướng dẫn, hình ảnh trẻ thơ, tươi đẹp như bao nhiêu bạn bè khác cùng lứa tuổi, nhưng điều bất hạnh nhất của các em là chỉ nhìn thấy mà không nghe được âm thanh nào của thế giới bên ngoài. Ấy thế, mà chỉ bằng “Đôi tay cô cụp mở/ Báo tưng bừng thanh âm”, những động tác từ các ngón tay cô đã giúp các em tiếp nhận được cả thế giới âm thanh của loài người, từ “tiếng mẹ gọi”, đến hiểu cả nội tâm sâu kín: “Bao nghĩ suy vất vả/ Tiếng cuộc đời sâu vợi/ Trong mắt người lo toan”, và hiểu được âm thanh, hình ảnh của cảnh vật: tiếng chim hót, tiếng lá, tiếng vó ngựa, tàu buông neo, ngôi sao mọc… Ở đây, cô giáo có tấm lòng kiên trì, tài giỏi và nhân từ, yêu người, yêu nghề mới làm được việc đưa vào thế giới thinh lặng, tịch mịch của những học sinh điếc mở ra bước vào thế giới âm thanh sôi động để hiểu, để giao cảm với đời, với ngoại cảnh.
Khi viết bài thơ này, Tô Hà chắc chắn không nghĩ sẽ đưa vào sách giáo khoa cho học trò. Ông chỉ thể hiện tấm lòng trân trọng, kính phục về cô giáo. Bởi chưa chắc cha mẹ sinh đẻ ra các con chẳng may khuyết tật đã làm được những điều như cô giáo đã giúp cho con mình. Việc chọn bài thơ đưa vào sách giáo khoa là của ban biên soạn sau này (nhà thơ Tô Hà mất năm 1991). Chắc người biên soạn dựa trên tiêu chí nhân văn, giúp cho những học sinh bình thường biết cảm thông, thương cảm, sẻ chia với những bạn cùng trang lứa với mình chẳng may bất hạnh bị khuyết tật. Về từ ngữ bài thơ không có gì lạ. Một số ý kiến nói câu “Hót nắng vàng ánh ỏi” khó hiểu, đặc biệt từ “ánh ỏi”, sao không dùng “óng ả”. Ở đây tác giả nói về âm thanh tiếng chim, chứ không nói về màu sắc ánh nắng. Trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức xuất bản năm 1970 ở Sài Gòn, giải thích: “Ánh ỏi: lanh lánh buồn; tính cách tiếng kêu trong trẻo nhưng hơi buồn: Ánh ỏi đầu gành quyên gọi bạn VD”; còn Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển Việt Nam – Hà Nội, 1992, ghi: “Ánh ỏi: (tiếng, giọng) rất cao, ngân vang xa, hơi chói tai, lảnh lót. Tiếng chim hót ánh ỏi”. Trao đổi đến đây, anh bạn nhìn tôi mỉm cười: Quá trình học, thầy cô giúp các em tìm hiểu, bổ sung, mở mang, tích lũy vốn tri thức về từ vựng tiếng Việt phong phú là điều hết sức cần thiết. Như từ “ánh ỏi” ở đây là một ví dụ.
(1) m.facebook.com › story; (2) Tô Hà tên thật là Lê Duy Chiểu (1939-1991), từng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.