Cộng đồng doanh nghiệp vươn mình trong thời kỳ hội nhập kinh tế
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 11:26, 13/10/2024
Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) hàng năm, đã trở nên quen thuộc trong xã hội, Ngày Doanh nhân Việt Nam không chỉ là một dịp kỷ niệm mà còn là một nguồn động viên mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nhân, tiếp tục phấn đấu mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn và thách thức, đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Nhũng năm gần đây, các doanh nhân của tỉnh đã điều hành doanh nghiệp của mình để đồng hành với sự phát triển của nền kinh tế tỉnh nhà trong giai đoạn vừa qua. Theo đó, các doanh nhân cùng doanh nghiệp đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Nhiều địa phương khi có lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh thì kinh tế - xã hội cũng phát triển hơn. Rất nhiều thương hiệu từ những lĩnh vực truyền thống đã được các doanh nhân phát triển, đưa lên tầm cao hơn. Từ đó nhiều doanh nghiệp không chỉ chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong tỉnh mà còn tham gia vào các chuỗi cung ứng trên cả nước và vươn ra thị trường thế giới. Gần đây, các doanh nghiệp của tỉnh cũng đã chuyển mình theo xu hướng phát triển bền vững, thực hiện sản xuất xanh, giảm khí thải nhà kính theo cam kết của Chính phủ, bảo vệ môi trường. Họ cũng không quên thực hiện trách nhiệm xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong các giai đoạn dịch bệnh, thiên tai bão lũ. Sau nhiều năm kinh tế phát triển, vai trò của các doanh nhân càng được thể hiện rõ. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần phát triển kinh tế - xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Nhiều doanh nhân trong tỉnh đã dám nghĩ, dám làm, đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực trong các sản phẩm chất lượng cao… Các thương hiệu Việt cũng dần dần tham gia nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Phải khẳng định rằng, doanh nhân luôn là lực lượng đi đầu trên mặt trận kinh tế, đóng góp chủ yếu vào nguồn thu ngân sách, cũng như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Điều đáng trân trọng nhất ở họ là trong dịch bệnh, thiên tai, khó khăn ập tới, họ là đối tượng bị ảnh hưởng, chịu nhiều thiệt thòi nhất. Song vì doanh nghiệp, vì người lao động, vì sự phát triển của kinh tế, họ không buông bỏ, chấp nhận hy sinh quyền lợi của cá nhân và gia đình mình để cùng mọi người vượt khó. Đặc biệt là, lực lượng doanh nhân luôn là lực lượng đi đầu trên mặt trận kinh tế, đóng góp chủ yếu vào nguồn thu ngân sách của tỉnh cũng như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động địa phương. Không phải bây giờ chúng ta mới nói đến khát vọng xây dựng ngày càng nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, trong đó có những doanh nghiệp đạt tầm thế giới. Nhưng để hiện thực hóa thì thực tế những năm qua đã chứng minh, con đường là vô cùng gian nan. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, tập trung hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế... Bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, kiểm soát, xoá bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh, phát triển đồng bộ các loại thị trường. Đặc biệt cần có cơ chế tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp có bước đột phá trong một số lĩnh vực mới, có lợi thế, tiềm năng. Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Được biết, trong những năm gần đây, tỉnh Bình Thuận đã tích cực triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh nhằm khuyến khích, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Công tác xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các ngành và các sản phẩm lợi thế được quan tâm thực hiện. Tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Triển khai đề án đánh giá trình độ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ đối với các sản phẩm lợi thế của tỉnh… Hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia quảng bá thương hiệu sản phẩm. Thị trường xuất khẩu các sản phẩm lợi thế như thanh long, thủy sản chế biến, hàng may mặc... tiếp tục được mở rộng. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp được quan tâm. Đặc biệt là định kỳ hàng năm, lãnh đạo tỉnh tổ chức gặp mặt với các doanh nhân, doanh nghiệp để nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tôn vinh những doanh nhân có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.