Kỷ niệm 94 năm Ngày Truyền thống Công tác Dân Vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2024) và 25 năm Ngày Dân Vận của cả nước (15/10/1999 - 15/10/2024):
Chính trị - Ngày đăng : 14:05, 14/10/2024
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì hại đến dân phải hết sức tránh. Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; trong suốt quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng, công tác dân vận luôn được Đảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, là điều kiện quan trọng đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Công tác dân vận phải đi trước một bước
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, sự nghiệp cách mạng có những chuyển biến mới đòi hỏi công tác vận động quần chúng của Đảng cần được tăng cường nhằm động viên tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 làm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là Ngày “Dân vận” của cả nước để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận.
94 năm qua, công tác dân vận của Đảng được khẳng định và đạt những thành tựu to lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trước muôn vàn khó khăn gian khổ, ác liệt, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào dân, gắn bó với dân, tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức, tập hợp nhân dân vào mặt trận, các đoàn thể và nhiều tổ chức cách mạng, để nhân lên thành sức mạnh vô địch, đánh thắng mọi kẻ thù, giành độc lập tự do cho dân tộc, đưa cả nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong mỗi thời kỳ cách mạng, trước mỗi bước ngoặt lịch sử, Đảng ta có nhiều chỉ thị, nghị quyết khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận và luôn nhấn mạnh phải đổi mới nội dung, phương pháp công tác dân vận để đạt hiệu quả cao hơn.
Tại Bình Thuận, thời gian qua, Đảng bộ tỉnh luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị” và phương châm “Công tác dân vận phải đi trước một bước”,“lấy người dân làm trung tâm của sự phát triển”. Chính vì vậy, thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo tăng cường quán triệt, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm trong thực hiện các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận phù hợp với thực tế của địa phương. Nhờ đó, công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh có sự chuyển biến rõ nét; nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận trong hệ thống chính trị của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên. Nổi rõ, từ năm 2021 đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động Nhân dân được quan tâm đã góp phần thực hiện đạt kết quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành phát động. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm nắm tình hình và giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới, củng cố niềm tin của Nhân dân đối Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương...
“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, những năm qua, công tác dân vận trong tham gia xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở, tổ chức cho Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã bám sát phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phương châm này đã được cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh ngay từ khâu thông báo chủ trương đến khâu giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ, thu hồi đất và tái định cư cho các hộ dân. Nhờ thực hiện tốt quy trình công tác dân vận nên nhìn chung các dự án triển khai đều nhận được sự đồng tình của đa số nhân dân trong vùng. Đáng chú ý là dự án: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đoạn đi qua địa bàn tỉnh), Đường trục ven biển ĐT.719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà, đường Hàm Kiệm - Tiến Thành)... Song song, cấp ủy Đảng, chính quyền đã tổ chức hiệu quả việc đối thoại với nhân dân; lãnh đạo UBND tỉnh duy trì gặp mặt doanh nghiệp định kỳ hàng tháng để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ và giải quyết tốt thủ tục hành chính cho nhân dân, doanh nghiệp.
Về phía cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quan tâm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và được nhân dân tích cực hưởng ứng với nhiều cách làm hay, sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Hiện toàn tỉnh có 746 mô hình được đăng ký ở cấp huyện; nhiều mô hình có hiệu quả tiếp tục được lan tỏa như: Mô hình “Chính quyền điện tử”, “Công chức xin lỗi dân khi trễ hẹn”, vận động nhân dân hiến đất làm đường, bê tông hóa đường giao thông, camera an ninh, Tổ tự quản về an ninh trật tự, Tổ tự quản về phòng cháy chữa cháy… Công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện với các xã thuần, thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp tục thực hiện hiệu quả. Đến thời điểm này đã có 17 cơ quan cấp tỉnh và 42 cơ quan cấp huyện kết nghĩa với 17 xã thuần đồng bào DTTS; 86 cơ quan cấp huyện kết nghĩa với 37 thôn, khu phố xen ghép DTTS. Qua đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh tiếp tục phát triển; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được nâng cấp; việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất được quan tâm; đời sống, thu nhập của đồng bào được cải thiện; bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS được giữ vững...
Có thể khẳng định, dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Phát huy truyền thống vẻ vang 94 năm công tác Dân vận của Đảng, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cần thường xuyên học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức và phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gắn với đó, đổi mới công tác dân vận theo hướng sát cơ sở, thực sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; thực lòng quan tâm, chăm lo lợi ích và đời sống của Nhân dân; gắn việc làm tốt công tác dân vận với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao cho.
Cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với bản lĩnh, quyết tâm, sáng tạo và khí thế mới, tin rằng thời gian tới công tác dân vận sẽ tiếp tục có bước tiến mới, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, phát huy mạnh mẽ sức mạnh của Nhân dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.