Dừa ngọt trên vùng cát khô

Kinh tế tập thể - Ngày đăng : 20:50, 16/10/2024

Giữa vùng đất cát trắng, đầy nắng gió và khô cằn ở xã Thiện Nghiệp (TP.Phan Thiết), bạt ngàn dừa xiêm địa phương đang sinh trưởng tốt, mang nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Với sự nỗ lực trong việc liên kết phát triển kinh tế, xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng, dừa Thiện Nghiệp hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Dừa ngọt ở vùng khô cằn

Với khí hậu nắng gió đặc trưng, địa hình là vùng đồi cát nhấp nhô; không có sông suối tự nhiên. Việc tưới cho cây trồng chỉ phụ thuộc vào nước trời và các ao bàu nhỏ, mạch nước nhĩ từ động cát, khe núi đá. Trong bối cảnh khó khăn đó, dừa xiêm địa phương ở Thiện Nghiệp không chỉ chịu được hạn mà còn cho trái sai, nước ngọt thanh và cơm mềm dễ nạo, mang lại cảm giác dễ chịu cho người thưởng thức. Dừa xiêm nơi đây có những đặc tính nổi bật như trái sai đầy buồng, nước ngọt thanh, khác hẳn với những giống dừa trồng ở nơi khác; thu hút du khách và nhiều người sử dụng.

dua-thien-nghiep-anh-ngoc-lan.jpg
Vườn dừa xiêm Thiện Nghiệp. Ảnh: Ngọc Lân.

Ngoài ra, dừa còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Cây dừa giúp chắn gió, hạn chế tình trạng cát bay vào mùa gió bấc, góp phần bảo vệ mùa màng và cải thiện điều kiện sống cho các loại cây trồng khác. Sự phát triển của cây dừa không chỉ giúp người dân có thu nhập mà còn tạo ra một hệ sinh thái bền vững, khẳng định vị trí quan trọng trên vùng đất khô cằn của xã Thiện Nghiệp. Nhiều nông dân đã quyết định mở rộng diện tích trồng dừa, từ 30 ha vào năm 2013 lên gần 80 ha vào năm 2024. Trong đó, 65 ha đã cho trái, 15 ha đang trong giai đoạn phát triển. Điều này không chỉ giúp tăng sản lượng mà còn trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình.

Ông Trần Ngọc Hận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp cho biết: Với sự khắc nghiệt về địa hình, khí hậu, nắng gió, thiếu nước ấy, dừa xiêm địa phương ở Thiện Nghiệp thích nghi trên vùng đất này. Nhờ vào khả năng sinh trưởng và tính chất chịu hạn tốt, người dân thay thế một số cây trồng ngắn hạn bằng dừa xiêm địa phương. Một số người trồng đưa giống dừa xiêm xanh, dừa dứa, dừa bạch, dừa lửa… từ nơi khác về Thiện Nghiệp trồng. Tuy nhiên, cây không chịu được hạn, sản lượng không đạt; nước dừa cũng không ngọt bằng giống dừa xiêm Thiện Nghiệp.

Hợp tác xã kết nối nông dân

Dừa xiêm mang lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ dân Thiện Nghiệp, nhưng giá cả vẫn phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường. Để giải quyết vấn đề này, Hợp tác xã chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp thành lập năm 2023; trong đó, xây dựng thương hiệu cho dừa Thiện Nghiệp. Từ đó đảm bảo giá cả đầu ra ổn định cho người trồng. Hợp tác xã không chỉ đóng vai trò kết nối nông dân với thị trường mà còn tạo điều kiện để cộng đồng cùng phát triển. Mới đây, Hợp tác xã chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và mã số vùng trồng nội địa cho 1,86 ha dừa xiêm, với sản lượng hàng năm đạt 96.000 trái.

Đây là một cột mốc quan trọng, minh chứng cho sự nỗ lực nâng cao chất lượng và uy tín của sản phẩm dừa Thiện Nghiệp. Đồng thời, sản phẩm dừa tươi của hợp tác xã đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để đăng ký sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm của TP. Phan Thiết) cho năm 2024. Điều này mở ra cơ hội phát triển bền vững cho người trồng dừa, giúp gia tăng giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Hận khẳng định: Cây dừa xiêm đã trở thành cây trồng chủ lực của vùng đất Thiện Nghiệp, mang lại thu nhập ổn định và cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Nhờ những nỗ lực trong việc xây dựng thương hiệu và duy trì chất lượng, tương lai của dừa xiêm Thiện Nghiệp còn nhiều hứa hẹn phát triển. Người dân nơi đây đặt nhiều kỳ vọng vào một hành trình phát triển bền vững từ cây dừa.

TRANG MINH