Nghề làm thủy lợi xưa và nay

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:28, 18/10/2024

Chuyện làm thủy lợi thời xưa

Có lẽ người Chăm ở Bình Thuận là những người làm nghề thủy lợi sớm nhất Việt Nam. Từ rất lâu rồi, trên khắp dải đất trải dài từ Ninh Thuận vào đến Bình Thuận, Bình Tuy đã xuất hiện hàng trăm đập nước lớn nhỏ được người Chăm xây dựng. Có những con đập được hình thành cách đây từ hơn cả ngàn năm, giúp cho vùng đất nổi tiếng là khô hạn này trở thành một nơi có diện tích cây lúa được tưới tiêu tự chảy một cách chủ động bằng hệ thống công trình từ rất sớm. Điều này đã thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nơi này phát triển một cách bền vững, giúp cho vùng đất Pandurangga trở thành một trong những tiểu quốc hùng mạnh và tồn tại lâu dài nhất của vương quốc Champa.

ho-chua-nuoc-long-song-60x130.jpg
Đập Lòng Sông. Ảnh: N.Lân

Các vị vua Chăm cũng chính là những người đích thân đứng ra chỉ đạo việc xây dựng nên những công trình này. Có thể kể ra vài cái tên điển hình như ở Phan Rang thì có Pô Klaung Girai, vùng Tuy Phong - Phan Rí thì có Po Dam (Pô Tằm), ở Ma Lâm - Phan Thiết thì có Pô Sha Inư... Đặc điểm tự nhiên của khu vực này là thời tiết khô hạn, do vậy sông suối phần lớn ít nước, lòng sông nông, nhiều nơi có địa hình dễ dàng và thuận lợi cho việc xây dựng các đập nước trong điều kiện kỹ thuật còn thô sơ và bằng những loại vật liệu tự có tại địa phương. Người Chăm sớm nhận ra điều đó, họ đã xây dựng nên vô số các đập nước, đào rất nhiều tuyến kênh mương và tạo ra các cánh đồng lúa nước được tưới tự chảy có quy mô rất lớn so với các nơi khác cùng thời.

Những kỹ thuật xây dựng công trình cũng như tổ chức bộ máy quản lý, điều hành, kỹ thuật tưới tiêu cho cây lúa của người Chăm sau này đã được người Việt tiếp thu và kế thừa. Điều này được thể hiện qua những từ ngữ chuyên môn xuất phát từ ngôn ngữ Chăm đã được Việt hóa đến mức phổ biến, trở thành những từ dạng Chăm - Việt và được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp một cách rộng rãi. Bởi vậy, cách đây chừng ba bốn chục năm, hầu như những người nông dân Việt cũng như Chăm đều hiểu và sử dụng nó một cách chuẩn xác. Nhiều từ ngữ nếu như bây giờ không được ghi lại thì chẳng bao lâu nữa nó sẽ biến mất vĩnh viễn dù cho nó đã có lịch sử hàng ngàn năm tuổi.

Dưới đây là một số từ ngữ thông dụng nhất trong lĩnh vực thủy lợi ngày xưa ở Bình Thuận:

Bờ san là kỹ thuật tưới một lớp nước mỏng cho cây lúa con mới mọc sau khi gieo từ 5-7 ngày.

Bờ qua là đưa nước vào ruộng đã được cày ải trước đó để chuẩn bị gieo.

Bờ lâu là đưa nước vào ruộng chưa cày ải để chuẩn bị gieo.

Bờ kê là dùng vật cản dòng chảy trên mương để đưa một phần lượng nước vào ruộng của mình nhưng không chặn đứt dòng chảy trong mương chính.

Bờ cản là dùng vật cản chặn đứt dòng chảy để đưa toàn bộ nước trong mương vào ruộng của mình.

Bờ bạn là dùng vật cản để chặn dòng nước thừa trên mương tiêu (nông dân thường gọi là mương xổ), tận dụng lượng nước thừa để tưới cho ruộng của mình. Khi cần thì có thể tháo bỏ vật cản để tiêu úng cho cánh đồng. Bờ bạn được làm chắc chắn để sử dụng lâu dài, có thể đóng hoặc tháo nước tùy ý.

Ly kê là dùng thanh gỗ lớn hoặc các khối đá kê chắn ở các họng mương nhằm mục đích phân chia lượng nước phù hợp theo nhu cầu.

Tà Pó là công trình được làm ở các họng mương hoặc dọc theo mương, ở những nơi mà người nông dân cần kê nước hoặc cản nước. Tà Pó giúp cho việc điều tiết lượng nước trong mương được dễ dàng, nhanh chóng mà không làm hư hại đến bờ mương, lòng mương. Hình thức và công năng của nó giống như một cái cống nhưng chỉ được làm bằng các loại vật liệu có sẵn tại chỗ. Kết cấu của Tà Pó là những hàng cọc cừ được đóng thành một hoặc nhiều lớp vững chắc, bên trong xếp đá hoặc đắp đất. Chiều dày của một Tà Pó thường dày từ 1- 2 mét. Chiều cao là từ đáy mương lên đến bờ mương. Đáy Tà Pó có thể được kè đá hoặc gỗ bên dưới để chống xói lở.

Hầu hết các đập nước mà người Chăm xây dựng đều là những đập tạm được làm bằng những vật liệu dễ dàng kiếm được ở địa phương như cọc cừ, đá hộc... Người ta thường gọi đó là những đập chà bổi. Điểm yếu của những đập kiểu này là nó dễ bị hư hỏng, thường phải mất công tu bổ thường xuyên nhưng cái hay của nó là rất dễ thi công, sửa chữa. Thêm một cái nữa là mỗi khi có lũ lớn thì nước lũ tràn qua, phá vỡ thân đập, không gây ra hiện tượng bồi lấp lòng sông rất kinh khủng, làm biến dạng cả dòng chảy như các đập được kiên cố bằng bê tông sau này.

Hàng năm, cứ đến thời điểm chuẩn bị vào vụ, những người có trách nhiệm quản lý đập nước lại lên kế hoạch huy động sự đóng góp của các hộ nông dân để tu sửa đập và nạo vét, phát dọn kênh mương. Mọi thứ đều được phân chia rất công bằng và minh bạch vì tất cả đều dựa trên số diện tích mà người nông dân được hưởng lợi nên chẳng có ai so bì. Người nào cũng phải thực hiện đúng theo số lượng và thời hạn quy định chung. Nếu người nào vi phạm thì sẽ bị cắt quyền được cấp nước nên ai cũng đều chấp hành rất nghiêm túc.

Có công trình, có hoạt động tất phải có bộ phận quản lý điều hành. Nghe nói thời xưa, những người chịu trách nhiệm quản lý điều hành hệ thống mương đập, dẫn thủy nhập điền được chính quyền địa phương bổ nhiệm một chức quan gọi là Chánh Yển. Chánh Yển phải là người có uy tín trong dân, am hiểu các luật lệ về kế hoạch gieo trồng, biết cách quản lý, sửa chữa mương đập, thành thạo công việc dẫn thủy nhập điền. Dưới Chánh Yển là các ông cai đập, cai mương. Mỗi người một nhiệm vụ nhưng có một điểm chung là những ai tham gia vào công việc này đều phải am tường tình hình thời tiết, thực tế nông nghiệp, thông thạo về việc quản lý, phân chia nguồn nước, đảm bảo sự công bằng giữa các hộ nông dân trong phạm vi mình phụ trách. Thu nhập của các thành viên ban quản lý đập được lấy từ khoản thu từ các hộ nông dân hàng năm tính theo đầu diện tích được hưởng lợi.

Mỗi khi thời tiết xảy ra hạn hán, nguồn nước sụt giảm thì các đập tiến hành làm phiên để chống hạn. Thực chất việc làm phiên là để sắp xếp, phân chia mỗi mương, mỗi hộ nông dân có thời gian nhất định để dẫn nước vào ruộng của mình, tránh trường hợp tranh giành khi nguồn nước đập bị hạn chế. Việc phân phiên sẽ được một Hội đồng các cai đập, cai mương và đại diện các hộ nông dân bàn bạc, tính toán cẩn thận dưới sự chủ trì của ông Chánh Yển.

Thường thì có ba cách làm phiên như sau:

Phiên nhịn: được tiến hành khi nguồn nước đập giảm ít nhưng các khu vực ở xa nguồn bắt đầu khó dẫn nước thì Hội đồng sẽ dành riêng cho khu vực này một khoảng thời gian nhất định được lấy toàn bộ lượng nước đập để tưới cho cây lúa. Sau thời gian này thì trả lại lượng nước đập cho các khu vực còn lại dẫn nước tưới bình thường.

Phiên nhỏ: là khi nguồn nước đập giảm nhiều hơn, không thể làm được phiên nhịn thì Hội đồng sẽ chuyển sang làm phiên nhỏ. Thời gian làm phiên nhỏ là 7 ngày một phiên. Các mương sẽ theo thời gian được chia mà lấy nước tưới cho các diện tích lúa trong mương của mình.

Phiên lớn: là khi nguồn nước của đập giảm mạnh, không thể làm phiên nhỏ được nữa thì Hội đồng sẽ tiến hành làm phiên lớn. Thời gian làm phiên lớn là 10 ngày một phiên. Các mương cũng theo thời gian được chia mà lấy nước tương tự như trong phiên nhỏ.

Đến công việc thủy lợi ngày nay

Không biết có phải sự hiện diện của vô số các đập chà bổi trên đất Bình Thuận tự thân nó đã giải quyết được khá nhiều nhu cầu cấp bách về nguồn nước tưới cho nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khiến cho công tác thủy lợi hóa ở Bình Thuận tiến hành khá chậm chạp so với các tỉnh, thành khác ở miền Trung. Ai đời một tỉnh nằm ngay tại khu vực nổi tiếng là khô hạn nhất cả nước mà mãi đến đầu những năm 1990 mới có được cái hồ chứa nước đầu tiên.

Ở Tuy Phong, cái nơi bị thiên hạ cho là khô hạn nhất của nơi khô hạn, vậy mà năm 1985, khi địa phương đặt vấn đề lập dự án xây dựng một hồ chứa nước thì đã gặp vô vàn khó khăn trở ngại. Từ hồ sơ thiết kế ban đầu rồi điều chỉnh đi, điều chỉnh lại hai ba lần. Rốt cuộc, hồ sơ dự án vẫn không được phê duyệt. Lý do đưa ra thì khá đơn giản nhưng hồi đó không ai có thể cãi được: công trình đầu tư không hiệu quả.

Thời đó, đất nước còn đang nghèo, người ta mà đem vấn đề hiệu quả của đồng vốn đầu tư ra cân đong đo đếm thì ở một nơi có điều kiện thời tiết, khí hậu hết sức khắc nghiệt như ở Tuy Phong và kể cả các vùng khô hạn khác của Bình Thuận làm sao có cửa mà cạnh tranh. Bởi ở những nơi như vậy thì suất đầu tư lúc nào mà chẳng cao hơn các nơi khác.

Vậy là dự án năm đó của Tuy Phong đành phải xếp xó cho dù hồi đó tỉnh và huyện cũng đã cố tìm đủ mọi cách xoay xở. Phải đến mười năm sau thì dự án kia được tái khởi động nhờ vào một hướng đi mới rất tình cờ và cuối cùng nó cũng đã thành công sau nhiều pha gay cấn hồi hộp không khác gì những tình tiết trong một bộ phim trinh thám.

Phải đến những năm gần đây thì thủy lợi Bình Thuận mới được xác định là một trong những lĩnh vực trọng tâm được ưu tiên đầu tư. Nhiều công trình mới đã ra đời. Nguồn nước được chủ động nhiều hơn. Công tác quản lý điều hành cũng được sắp xếp quy mô bài bản. Những từ ngữ cổ xưa cũ kỹ như tà pó, phiên lớn, phiên nhỏ, những kiểu tưới như bờ san, bờ bạn, bờ kê... Những tên gọi mộc mạc như mương Cây Trôm, mương Cây Mít, mương Cây Me... dần dần vắng bóng. Thay vào đó là những tên gọi mới xuất hiện mỗi khi nông dân bàn với nhau về chuyện nước non, thủy lợi. Những từ ngữ hiện đại mang đầy tính chuyên môn như đập dâng, tràn xả lũ, cống C1, C3, C5… hay kênh T2, T4, T6... trở nên phổ biến. Người nông dân mỗi khi nhận định về nguồn nước tưới cũng không còn mơ hồ như trước. Họ có thể biết chính xác nguồn nước mình cần sử dụng còn lại bao nhiêu một khi liên hệ với cơ quan quản lý chuyên ngành ở bất cứ thời điểm nào.

Người viết bài này chợt ngậm ngùi nhớ đến câu ca gợi lại một thời gian khổ của những người làm nghề thủy lợi ngày xưa ở Tuy Phong:

Anh xa em vì bởi mương Chang

Cơm ăn chẳng đặng cũng vì đàng nước phiên.

Tuy Phong, tháng 10/2024

Ghi chép của Nguyễn phương