Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Anh hùng Lý Tự Trọng (20/10/1914 - 20/10/2024): Lý Tự Trọng - Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên
Chính trị - Ngày đăng : 16:17, 20/10/2024
Biểu tượng sáng ngời của thế hệ trẻ
Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914. Anh sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước, có cha là cụ Lê Hữu Đạt (còn được gọi là Lê Khoan) quê ở làng Kẻ Vẹt (nay là xã Việt Tiến), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh và mẹ là cụ Nguyễn Thị Sờm, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trước cảnh áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến, gia đình Lý Tự Trọng rời quê hương sang sinh sống tại Bản Mạy, thuộc tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan và tham gia hoạt động yêu nước.
Từ nhỏ, Lê Hữu Trọng đã bộc lộ tư chất thông minh, nhanh nhẹn, tinh thần ham học hỏi. Hơn 6 tuổi, anh được đến trường do các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang phục Hội mở ở Bản Mạy học tập. Tại đây, anh được học lịch sử nước Nam, văn thơ yêu nước của cụ Phan Bội Châu và các nhà yêu nước khác cũng như học tiếng Hán, tiếng Thái... Giữa năm 1925, đồng chí Hồ Tùng Mậu - thành viên của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đến Thái Lan gặp cụ Đặng Thúc Hứa, và truyền đạt yêu cầu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc về việc chọn một số con em gia đình Việt kiều yêu nước, đưa sang Quảng Châu đào tạo lâu dài để chuẩn bị xây dựng tổ chức Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam.
Lê Hữu Trọng là một trong 8 thiếu niên được lựa chọn. Đến Quảng Châu, nhóm thiếu niên này được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (lúc này mang tên Lý Thụy) trực tiếp giáo dục, rèn luyện trưởng thành. Để đảm bảo bí mật, các thiếu niên đều mang họ Lý coi như người trong một gia tộc, và Lê Hữu Trọng đổi tên thành Lý Tự Trọng. Anh cùng nhóm thiếu niên được đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”, một hình thức tổ chức thanh thiếu niên cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Sau thời gian học tập, Lý Tự Trọng đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu.
Giữa năm 1929, anh được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn, tham gia nhiều hoạt động cách mạng, đồng thời, đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ. Lý Tự Trọng được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ đặc biệt nghiên cứu tình hình thanh niên ở Sài Gòn - Chợ Lớn để chuẩn bị cho việc thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản. Anh bị thực dân Pháp bắt vào năm 1931. Dù bị tra tấn vô cùng dã man nhưng Lý Tự Trọng vẫn một lòng kiên trung, không khai bất cứ thông tin gì. Lý Tự Trọng bị kết án tử hình khi chưa đầy 17 tuổi.
Cuộc đời của anh hùng Lý Tự Trọng tuy ngắn ngủi nhưng tinh thần cách mạng của người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên trở thành tấm gương chói lọi cho các thế hệ thanh niên noi theo. Tinh thần và chí khí của anh đã trở thành biểu tượng sáng ngời, thiêng liêng, cao đẹp trong lòng các thế hệ đoàn viên, thanh niên. Câu nói bất hủ của anh trước toà án đại hình: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác...”, trở thành lý tưởng sống và kim chỉ nam hành động cho các thế hệ thanh niên Việt Nam trong mọi thời kỳ.
Tuổi trẻ noi gương đồng chí Lý Tự Trọng
Noi gương và tiếp bước Lý Tự Trọng, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã đoàn kết một lòng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng góp phần làm nên cuộc cách mạng tháng Tám 1945, thành lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau lên đường với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại, giành độc lập tự do cho Tổ quốc và thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, lớp lớp thanh niên đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn. Con đường cách mạng của các thế hệ tiền bối và đồng chí Lý Tự Trọng đã và đang soi đường, dẫn lối cho thế hệ trẻ hôm nay xung kích, tình nguyện, đi đầu trên mọi lĩnh vực.
Tại Bình Thuận trong những năm qua, các các cấp bộ Đoàn đã nhiều sáng kiến, phát động nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua có ý nghĩa thiết thực. Đáng chú ý năm 2023, các cấp bộ Đoàn tỉnh Bình Thuận đã thực hiện 438 công trình, phần việc thanh niên với tổng trị giá 4 tỷ đồng, thu hút hơn 157.000 lượt thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện của Đoàn. Đồng thời, hỗ trợ hiện thực hóa 576 ý tưởng, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên; trong đó có 10 ý tưởng sáng kiến ứng dụng công nghệ cao. Song song, tham gia trồng được hơn 271.000 cây xanh; phối hợp tư vấn hướng nghiệp cho gần 62.000 lượt thanh thiếu niên; giới thiệu việc làm cho hơn 9.200 thanh niên…
Riêng năm 2024, với chủ đề “Năm thanh niên tình nguyện”, các cấp bộ Đoàn tỉnh Bình Thuận đã và đang tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao nâng cao bản lĩnh chính trị, khơi dậy khát vọng cống hiến trong thanh niên. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương “3 liên kết”, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức và hoạt động phong trào Đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường chuyển đổi số trong triển khai công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi... Qua đó phát huy được vai trò xung kích, tình nguyện, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời tạo môi trường, điều kiện để thanh, thiếu niên trưởng thành, phát triển toàn diện.
Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, điều này đòi hỏi tuổi trẻ Việt Nam nói chung và tuổi trẻ Bình Thuận nói riêng sẽ tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng, tri ân công lao to lớn, ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất, tấm gương hy sinh quên mình vì nước, vì dân của người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên và các thế hệ tiền bối đã cống hiến trọn đời cho cách mạng, thế hệ trẻ hôm nay nguyện noi gương anh quyết tâm học tập, lao động xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp. Hơn bao giờ hết, câu nói “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” càng thôi thúc tuổi trẻ cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện, đi đầu trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; tin tưởng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, thế hệ thanh niên Việt Nam noi gương anh Lý Tự Trọng, nguyện viết tiếp trang sử vàng chói lọi của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam anh hùng đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.