Vắc xin, biện pháp hiệu quả phòng chống sốt xuất huyết

Y tế - Ngày đăng : 05:13, 21/10/2024

Trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt xuất huyết (SXH), việc tiêm vắc xin phòng bệnh này được xem là một biện pháp hiệu quả. Song song đó, sự nỗ lực về vệ sinh môi trường và ý thức phòng bệnh trong cộng đồng vẫn là chuyện “then chốt”.

Tiếp cận vắc xin phòng SXH

Vào cuối tháng 9/2024, nhiều người dân Việt Nam, trong đó có Bình Thuận được tiếp cận vắc xin phòng bệnh SXH sau nhiều năm mong đợi. Được biết, vắc xin SXH của Takeda, Nhật Bản được đưa vào sử dụng tại Việt Nam hiện nay có hiệu quả hơn 80%, phòng đầy đủ 4 tuýp virus sốt xuất huyết gây bệnh (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4) và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%. Vắc xin này được sử dụng lần đầu tiên trên thế giới từ năm 2018, đến nay được phê duyệt sử dụng rộng rãi tại hơn 40 quốc gia, đặc biệt ưu tiên sử dụng cho các nước thường xuyên có dịch phức tạp.

don-ve-sinh.jpg
Cọ, rửa lu chứa nước diệt lăng quăng, muỗi.

Phòng Nghiệp vụ của Sở Y tế tỉnh cho biết: Mỗi người cần tiêm 2 mũi, cách nhau 3 tháng. Vắc xin có vai trò quan trọng trong việc tạo miễn dịch cho cơ thể, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu không may mắc phải. Thời gian bảo vệ lên đến 4 - 5 năm sau liều thứ 2. Tuy nhiên, liều nhắc lại để tăng cường miễn dịch chưa được khuyến cáo. Sau khi tiêm, một số người có thể gặp phải các tác dụng phụ nhẹ như đau, sưng tại chỗ tiêm và sốt nhẹ.

Được biết, tại Phan Thiết, giá mỗi mũi vắc xin SXH là gần 1,4 triệu đồng. Tuy nhiên, việc tiếp cận vắc xin này còn hạn chế, chỉ có ở cơ sở tư nhân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoặc các trung tâm y tế tuyến huyện trong tỉnh chưa có.

Bác sĩ chuyên khoa I Võ Văn Hạnh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Vắc xin phòng bệnh SXH là loại vắc xin dịch vụ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hiện đang liên hệ nhà cung cấp để đấu thầu. Khi nào đấu thầu mua được vắc xin, trung tâm sẽ thông báo đến người dân biết.

Thường xuyên vệ sinh môi trường

Từ đầu năm 2024 đến nay, Bình Thuận đã ghi nhận 1.233 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 26 ca nặng nhưng không có trường hợp tử vong. Tỷ lệ SXH/100.000 dân là 91,6%. So cùng kỳ năm 2023, số ca mắc năm 2024 giảm 63,2%. Các huyện ghi nhận số ca mắc cao trong tỉnh gồm Đức Linh (247 ca), Tánh Linh (208 ca), Hàm Tân (193 ca) và La Gi (149 ca), đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành y tế địa phương. Ngược lại, huyện Phú Quý chỉ ghi nhận 4 ca mắc, cho thấy sự phân bố rải rác, không đồng đều về số ca mắc ở các địa phương trong tỉnh. Đó là số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

SXH là căn bệnh do vi rút Dengue gây ra, với muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) trung gian truyền bệnh. Số ca mắc được ghi nhận mỗi năm. Nguyên nhân là chỉ số mật độ lăng quăng, muỗi trong dụng cụ chứa nước tại nhà dân ở Bình Thuận. Người dân bận rộn với cuộc sống hàng ngày nên chưa chú ý đến việc súc rửa dụng cụ chứa nước thường xuyên để diệt lăng quăng và muỗi. Cùng với sự biến đổi khí hậu, thời tiết mưa nắng bất thường tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và sự giao thương đi lại dẫn đến gia tăng ca mắc SXH.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để tiêm vắc xin phòng bệnh SXH. Vì vậy, việc nâng cao ý thức cộng đồng về phòng chống SXH thông qua vệ sinh môi trường rất quan trọng. Bên cạnh việc tiêm vắc xin, nhiều biện pháp đơn giản, hiệu quả cần được thực hiện để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi mắc SXH. Đó là thường xuyên kiểm tra, dọn dẹp các khu vực trong và xung quanh nhà để không tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, ngủ mùng, xoa kem xua muỗi…

TRANG MINH