Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa
Kinh tế - Ngày đăng : 15:36, 21/10/2024
Cùng dự cuộc họp có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan. Riêng Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tham dự cuộc họp tại phòng họp trực tuyến của địa phương.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn Bình Thuận trong thời gian qua. Tính đến giữa tháng 10/2024, giá trị giải ngân toàn tỉnh đạt 42,42% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước đạt hơn 48%, vốn xổ số kiến thiết đạt gần 41%, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu (trong nước) đạt gần 40%...
Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2025, dự kiến tổng số nguồn vốn ngân sách tỉnh là hơn 3.480 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung trong nước (508,88 tỷ đồng), nguồn thu sử dụng đất (800 tỷ đồng), nguồn vốn xổ số kiến thiết (2.150 tỷ đồng), nguồn bội chi ngân sách địa phương (khoảng 21,6 tỷ đồng). Về danh mục công trình trọng điểm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đưa 8 công trình của năm 2024 vào danh mục các công trình trọng điểm của tỉnh trong năm 2025 để tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đó là các công trình: Kè bờ tả sông Cà Ty - đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm; Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam; Chung cư sông Cà Ty, thành phố Phan Thiết; Công viên Hùng Vương (Công viên Hùng Vương - công viên sinh thái ngập nước); Cảng hàng không Phan Thiết; Làm mới Đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà; Cầu Văn Thánh; Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Phú Quý (giai đoạn 2).
Còn trong giai đoạn 2026 - 2030, căn cứ ý kiến các đơn vị, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh dự kiến dự toán vốn đầu tư công của tỉnh là 32.234 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Trong khi danh mục các công trình, dự án trọng điểm đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 thì đề xuất UBND tỉnh xem xét chọn 11 công trình tiêu biểu, quy mô lớn, có ý nghĩa thiết thực, tác động lan tỏa và đóng góp lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Trong phần thảo luận, thành viên tham dự trực tiếp cuộc họp và lãnh đạo các địa phương đã trao đổi, thông tin tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024. Đồng thời góp ý kiến về dự kiến nguồn vốn kế hoạch đầu tư công, danh mục công trình trọng điểm của tỉnh trong năm 2025 cũng như cả giai đoạn 2026 - 2030. Ngoài ra, cũng kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện vào thời gian tới, góp phần nâng tỷ lệ giải ngân vốn đạt mục tiêu kế hoạch đề ra...
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cơ bản thống nhất dự kiến nguồn vốn kế hoạch đầu tư công, danh mục công trình trọng điểm năm 2025 cũng như giai đoạn 2026 - 2030 theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương, sở ngành, đơn vị liên quan cần tập trung khắc phục mặt tồn tại và tăng tốc tiến độ thực hiện để góp phần đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của Bình Thuận đạt 95%.
Theo đó yêu cầu các sở ngành chuyên môn tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng liên quan dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư công để thúc đẩy tiến độ giải ngân vào thời gian tới. Còn các địa phương thì quyết liệt và có trách nhiệm hơn nữa trong việc phối hợp thực hiện giải phóng mặt bằng của công trình, dự án được triển khai trên địa bàn. Với chủ đầu tư cũng phải khẩn trương xúc tiến những phần việc liên quan để sớm thi công dự án, đồng thời quan tâm thanh quyết toán ngay khi công trình có khối lượng thực hiện…
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đề nghị sở chức năng tham mưu cấp thẩm quyền phân khai chi tiết vốn ngay từ đầu năm để các chủ đầu tư sớm triển khai thực hiện, giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Về nguyên tắc sẽ ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng, dự án trọng điểm, đường ven biển, dự án kết nối có tác động lan tỏa, liên vùng và có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Cùng với đó còn ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có sẵn mặt bằng để phục vụ thi công hoặc địa phương thực hiện tốt công tác này. Ngoài ra cần tránh việc đầu tư dàn trải làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh…