Thượng đỉnh BRICS ở Nga: Bàn loạt vấn đề nóng
Quốc tế - Ngày đăng : 14:52, 22/10/2024
Chương trình nghị sự của Hội nghị khá rộng từ hiện trạng các mối quan hệ quốc tế, tăng cường vai trò của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu, giải quyết xung đột đến hợp tác trong các nền tảng đa phương hàng đầu. Với vai trò Chủ tịch BRICS năm nay, Nga muốn thúc đẩy hợp tác trên 3 trụ cột chính, gồm chính trị và an ninh, kinh tế và tài chính, và cuối cùng là văn hóa và nhân đạo.
Đây là Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của BRICS có sự tham dự của các thành viên mới là Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Arab Saudi và Etiopia. Điều này mang ý nghĩa đặc biệt. Bởi cơ chế BRICS đã và đang mở ra một kỷ nguyên mới về hợp tác quy mô lớn hơn, tạo đối trọng với Nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu (G7) do Mỹ đứng đầu. Đó không chỉ là về hợp tác kinh tế- tài chính, mà còn về niềm tin chính trị và trao đổi văn hoá. Hiện có đến hơn 30 quốc gia đang mong muốn tham gia hoặc hợp tác với BRICS dưới các hình thức khác nhau, trong đó có các quốc gia từ châu Phi, châu Á, và cả Mỹ Latinh. Điều này thể hiện sự hấp dẫn của BRICS đối với các quốc gia đang phát triển, khi khối này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình hệ thống kinh tế toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 tại Kazan, Nga kéo dài từ 22-24/10. Ảnh: RIA Novosti
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: “Ba mươi quốc gia đã bày tỏ mong muốn hợp tác với BRICS ở nhiều mức độ khác nhau, tham gia hoạt động của tổ chức này theo cách này hay cách khác. …Rõ ràng cánh cửa của chúng ta đang rộng mở. Tại Kazan, tôi và các đồng nghiệp và bạn bè của tôi sẽ thảo luận về cách tổ chức vấn đề này".
Các quan chức Nga đánh giá Hội nghị là một thành công lớn khi 36 quốc gia đã xác nhận tham dự và hơn 20 nước sẽ cử nguyên thủ quốc gia. Tổng thống Vladimir Putin dự kiến sẽ tổ chức khoảng 20 cuộc họp song phương. Theo Trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Vladimir Putin, ông Yuri Ushakov, đây có thể trở thành “sự kiện chính sách đối ngoại lớn nhất từng được tổ chức” tại Nga.
Đáng chú ý, vào ngày cuối cùng của Hội nghị (24/10), Tổng thống Vladimir Putin sẽ gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Lần gần đây nhất ông Guterres tới Nga là vào năm 2022. Theo các nhà phân tích, Điện Kremlin muốn có sự hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với phương Tây. Điều này có thể được cụ thể hoá bằng kế hoạch thành lập cơ chế hợp tác theo mô hình “quốc gia đối tác” nhằm thu hút sự tham gia của ngày càng nhiều các quốc gia quan tâm.
Nhận lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị BRICS mở rộng diễn ra từ ngày 23-24/10. Đây là hoạt động cấp cao quan trọng của BRICS và các nước đối tác trong năm, với sự tham dự của lãnh đạo nhiều nước khách mời và đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực.