Giá mủ cao su tăng cao, đồng bào dân tộc thiểu số háo hức đi cạo

Kinh tế - Ngày đăng : 05:06, 23/10/2024

Sáng sớm, mặt trời vừa ló dạng cũng là lúc những con đường làng ở thôn, xã La Dạ nhộn nhịp người dân đi lại, rất khác với những khoảng thời gian khác. Sở dĩ ở La Dạ thời điểm này rộn ràng là ngoài việc bà con đưa con em đến trường còn có việc quan trọng là đem mủ cao su đến bán ở 2 điểm thu mua ở thôn 1 và thôn 4.

Anh Thông Thủy, người K’ho đang chờ đến lượt bán mủ cao su cho biết: "Nhà mình có hơn 1 ha cao su, giá cao su đang ở mức 48 triệu đồng/tấn nên 1 ngày tranh thủ cạo cũng có thu nhập từ 1,2 – 1,5 triệu đồng". Bên cạnh anh Thủy, nhiều người cũng đang chờ bán mủ rôm rả trò chuyện xoay quanh độ đạm đo được từ số lượng mủ cạo được. Có người mủ đạt 34 độ, có người nằm “đỉnh” 38 – 39 độ, tùy giống cao su và cách chăm vườn. Ở La Dạ đa phần người dân tộc thiểu số có vườn cao su là nhờ chính sách dân tộc miền núi đầu tư. Nhiều hộ đồng bào DTTS ban đầu còn chưa biết cây cao su là cây gì và cách khai thác. Tuy nhiên qua công tác khuyến nông, các hộ DTTS được tập huấn cách trồng, chăm sóc và kỹ thuật cạo mủ nên giờ ai cũng thành thạo.

23860054.mp4_snapshot_00.00.432(1).jpg

Anh Thông Đình Anh – Phó Chủ tịch UBND xã La Dạ cho biết: La Dạ có diện tích cao su 494 ha đang cho thu hoạch (hộ dân, không tính doanh nghiệp) năng suất bình quân đạt 2,6 tấn/ha. Giá mủ cao su tăng cao nên người dân rất phấn khởi, người dân tăng thu nhập nên có điều kiện tái đầu tư và mở rộng thêm chăn nuôi...

Không chỉ La Dạ mà các xã thuần đồng bào DTTS như Đông Giang, Đông Tiến, người dân có cây cao su cũng rất phấn khởi bởi có nguồn thu nhập cao hơn những năm trước. Lý giải về việc mủ cao su tăng giá cao gần gấp đôi so với 3 năm trở lại đây, các chuyên gia nhận định: Do các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... phá bỏ nhiều diện tích cao su để trồng sầu riêng. Mặt khác, do tình hình thời tiết không thuận lợi nên năng suất mủ cao su giảm dẫn đến nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu cho thị trường. Ngoài ra, năm nay Việt Nam nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu mặt hàng cao su nên ngay đầu vụ, các đơn vị đã tăng cường thu mua để đủ lượng hàng xuất khẩu...

Vào mùa cạo mủ, cao su có giá cao nên các vườn đầu tư mạnh để khai thác. Điều này đồng nghĩa với người nông dân có thêm cơ hội việc làm, nhất là lao động nông thôn nhận cạo và trút mủ thuê cho bà con trong vùng. Giá công cạo mủ hiện nay là 450 - 500 đồng/cây, nếu chịu khó từ 10 giờ đêm đi cạo mủ và buổi sáng 3 – 7 giờ đi lấy mủ cũng được 2.000 – 3.000 cây, tiền công cũng được từ 400.000 – 600.000 đồng. Đây là thu nhập cao ở vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp – PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 45.000 ha cao su, trong đó gần 3/4 diện tích cho thu hoạch, bình quân lượng mủ từ 15 – 17 tạ/ha. Có nơi thổ nhưỡng tốt và được chăm sóc đúng quy trình thì thu 18 - 19 tạ/ha. Trong tỉnh có khoảng 10 cơ sở lớn nhỏ mua và sơ chế mủ cao su, hầu hết tập trung ở Tánh Linh và Đức Linh, các cơ sở sơ chế đã nâng cao chất lượng mủ để xuất khẩu, tạo nên sản phẩm mủ cao su có giá trị cao hơn...

Phúc Thắng