Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ xác minh thông tin công dân

Xã hội - Ngày đăng : 09:23, 22/10/2024

“Triển khai các mô hình thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, phục vụ nhu cầu và quyền lợi chính đáng của người dân.

Với vai trò thường trực tham mưu, đi đầu trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, Công an tỉnh xác định rõ “Việc thực hiện Đề án 06 là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, mệnh lệnh công tác của lực lượng vũ trang và là danh dự của lực lượng Công an nhân dân”, Công an tỉnh được phân công trực tiếp chủ trì thực hiện 8 mô hình và đang triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đảm bảo tiến độ, đúng yêu cầu đề ra.

Một số mô hình đã triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể: “Quản lý cư trú tại cơ sở khám chữa bệnh” tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh và “Thông báo lưu trú qua phần mềm ASM”. Qua hơn một năm triển khai mô hình tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, đã tạo điều kiện giúp người dân trải nghiệm được nhiều tiện ích, tiết kiệm được công sức, chi phí và giảm bớt các loại giấy tờ phải xuất trình khi thực hiện các yêu cầu; góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và đổi mới công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

667ed35f37128f4cd603.jpg
Đại diện các tiệm cầm đồ trải nghiệm “Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ xác minh thông tin công dân tại cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ”.

Gần đây, Công an tỉnh đã ra mắt mô hình “Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ xác minh thông tin công dân tại cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ”. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 424 cơ sở cầm đồ và 25 cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Công an toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra hơn 250 lượt, lập biên bản và ra quyết định xử phạt 14 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ với số tiền hơn 60 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là nhận cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác nhưng không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố; không lưu trữ giấy tờ tùy thân của người mang tài sản đến cầm cố theo quy định của pháp luật; không báo cáo định kỳ hàng quý về tình hình, kết quả thực hiện các quy định về an ninh, trật tự cho cơ quan công an đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự…

Mô hình ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ xác minh thông tin công dân tại cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ bảo vệ. Cùng với đó, mô hình giúp các cơ sở kinh doanh quản lý định danh chính xác chủ thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử; đọc, trích xuất dữ liệu, thông tin của công dân từ thẻ căn cước công dân gắn chíp nhanh chóng, chính xác; xác thực khuôn mặt với độ chính xác cao nhờ công nghệ nhận diện khuôn mặt, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, hạn chế sai sót liên quan đến người cầm cố và nguồn gốc tài sản. Qua đó kịp thời phối hợp cung cấp thông tin cho Công an xã, phường, thị trấn nơi cơ sở đóng chân các trường hợp đối tượng nghi vấn vi phạm pháp luật liên quan đến tài sản cầm cố.

Ngoài việc triển khai các mô hình “ứng dụng dữ liệu về dân cư” phục vụ xác minh thông tin công dân, thời gian qua Công an tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác chuyển đổi số và số hóa hồ sơ, tài liệu trong lực lượng Công an Nhân dân và đạt được một số kết quả. Qua thực hiện Dịch vụ công, đến nay toàn tỉnh đã tiếp nhận trực tuyến khoảng 680.000 hồ sơ, đạt tỷ lệ 98,5%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã hoàn thành kết nối với kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia và cho phép 100% thủ tục hành chính được thanh toán trực tuyến.

Toàn tỉnh đã thu nhận hơn 44,7 ngàn hồ sơ căn cước; thu nhận khoảng 842.000 tài khoản định danh điện tử, kích hoạt hơn 676.000 tài khoản. Đồng thời tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả 5 mô hình sử dụng tiện ích VNeID để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự cho người dân, doanh nghiệp… Thông qua ứng dụng VNeID, lực lượng chức năng đã tiếp nhận và xử lý 625 tin tố giác tội phạm, phản ánh tình hình an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở.

Việc tổ chức ra mắt các mô hình trên là sự nỗ lực rất lớn của nhiều cơ quan, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh, để thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý toàn dân thông qua dữ liệu dân cư; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; nắm hộ, nắm người và góp phần thực hiện thắng lợi Đề án 06 của Chính phủ tại tỉnh Bình Thuận.

Tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh 8 tháng của năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm các tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh, diễn ra vào tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng đã nhấn mạnh Đề án 06 là nhiệm vụ rất quan trọng, do đó đề nghị các địa phương, đơn vị quyết liệt triển khai thực hiện nhằm tạo chuyển biến, sự đột phá hơn nữa trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp ngành địa phương, nhất là người đứng đầu phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong tổ chức triển khai Đề án 06 ở cơ quan, địa phương, đơn vị mình. Phải phân công trách nhiệm rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, rõ thời gian hoàn thành; đồng thời, định kỳ rà soát kiểm tra, đánh giá. Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp tham mưu thực hiện Đề án 06, thường xuyên đào tạo bồi dưỡng kỹ năng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ công chức, phấn đấu nâng cao tỷ lệ xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử, môi trường số.

Nguyễn Luân