Tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở Bình Thuận

Dân tộc - Phát triển - Ngày đăng : 05:14, 23/10/2024

Bình Thuận là một địa phương đa sắc tộc, trải qua 26 năm (1998 - 2024) với nỗ lực thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tỉnh đã đạt được những kết quả, thành tựu đáng khích lệ trong việc phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở Bình Thuận.

Kết quả từ một nghị quyết

Bình Thuận hiện có 35 dân tộc anh em, trong đó đông nhất dân tộc Kinh cùng sinh sống. Mỗi dân tộc đều mang một sắc thái văn hóa đặc trưng, đóng góp vào sự phong phú và đa dạng của nền văn hóa chung của tỉnh. Nổi bật trong số đó là dân tộc Chăm, với lịch sử văn hóa lâu đời và các nghi lễ, tập quán phong phú như lễ hội Katê, lễ hội Ramưwan và nhiều di sản văn hóa truyền thống khác.

dan-toc-1-.jpg
Lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bàlamôn. Ảnh: Đình Hòa

Sau 26 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Bình Thuận đạt được những kết quả tương đối toàn diện, đã tạo chuyển biến và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa - xã hội của địa phương. Nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa được nâng lên, trở thành nhân tố quan trọng trong xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, được cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Việc đầu tư cho hoạt động văn hóa, nhất là đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm hơn trước. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa nghệ thuật giữa các vùng miền trong tỉnh đã rút ngắn đáng kể. Hoạt động đưa văn hóa về cơ sở được duy trì hàng năm, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hải đảo thường xuyên được thưởng thức nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật.

Nhiều chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được ban hành, tạo điều kiện cho hoạt động văn hóa được thuận lợi. Đội ngũ những người làm công tác văn hóa có nhiều tâm huyết, chủ động, sáng tạo trong việc vận dụng những cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước vào lĩnh vực xây dựng, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh. Vai trò chủ thể sáng tạo về văn hóa của nhân dân được tôn trọng, nên đã động viên được nhân dân giữ gìn, bảo vệ và phát triển nền văn hóa Việt Nam ngày càng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các lễ hội văn hóa tiêu biểu như Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa ở Phan Thiết, Lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở huyện Hàm Thuận Bắc, Lễ hội Trung thu của thành phố Phan Thiết, Lễ hội Dinh Thầy Thím ở thị xã La Gi... Có lễ hội thu hút hàng chục ngàn người tham dự, tạo chuyển biến rõ nét cho bộ mặt đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.

Ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Bình Thuận đã sớm quan tâm đầu tư một số công trình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Công trình Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm: Hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2010, với tổng kinh phí 18 tỷ đồng. Công trình đầu tư xây dựng 17 nhà văn hóa xã cho các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi: Hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng (trong đó có 2 nhà văn hóa xây dựng từ nguồn quỹ tài trợ từ Quỹ hỗ trợ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển - Đan Mạch và một số nhà văn hóa được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia). Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện nhiều đề án, trong đó có Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030”. Mục tiêu của các sáng kiến này không chỉ là gìn giữ di sản văn hóa mà còn nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống cho cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh, đưa đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhanh hơn. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được giữ vững và phát huy. Niềm tin của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước được tiếp tục nâng lên.

Tiếp tục nỗ lực phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở Bình Thuận, trong thời gian tới, các cấp các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, nhóm giải pháp như sau: Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và ngành Văn hóa thường xuyên coi trọng việc nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và phát triển văn hóa. Trước hết, phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch, xác định trình tự, bước đi thích hợp để phát triển văn hóa ở địa phương từ tỉnh đến cơ sở.

dan-toc-2-.jpg
Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa ở Phan Thiết. Ảnh: Đình Hòa

Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội và từng cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư…

Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật, chú ý bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa, nhất là mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục chuyển mạnh hoạt động văn hóa về cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đặc biệt đồng bào ở những vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ.

Tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa, phát triển đi đôi với quản lý hệ thống thông tin đại chúng và nâng cao chất lượng các sản phẩm văn học nghệ thuật. Tiếp tục mở rộng hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa. Chú ý tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, đồng thời có giải pháp đấu tranh ngăn chặn sự xâm nhập văn hóa phẩm đồi trụy, tiêu cực.

Xây dựng cơ chế, chính sách, chế tài ổn định, có tính khả thi nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội hóa hoạt động văn hóa, qua đó huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa. Chú ý khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ lao động sáng tạo, sáng tác nhiều tác phẩm văn học- nghệ thuật có giá trị tương xứng với sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.

Tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa. Tăng tỷ lệ đầu tư ngân sách cho hoạt động văn hóa, phấn đấu chi thường xuyên cho văn hóa đạt từ 4 - 5% tổng chi ngân sách, đảm bảo cho hoạt động văn hóa phát triển tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.

Huỳnh Lê