Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT
Xã hội - Ngày đăng : 19:55, 24/10/2024
Cần có giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế
ĐBQH tỉnh Bình Thuận Trần Hồng Nguyên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV, đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình xây dựng dự thảo luật.
Tham gia ý kiến cụ thể về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh chữa bệnh (KBCB) BHYT (Khoản 21 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi Điều 31 của Luật BHYT), đại biểu Trần Hồng Nguyên đánh giá cao đề xuất của Chính phủ quy định cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở KBCB BHYT để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT cũng như việc KBCB kịp thời cho người bệnh khi cơ sở KBCB đang điều trị cho người bệnh thiếu thuốc, thiết bị y tế. Tuy nhiên, theo đại biểu, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (Điều 59 và Điều 60) không quy định về quyền, trách nhiệm của cơ sở KBCB về điều chuyển thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở KBCB. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc chỉ nên coi đây là giải pháp tình thế để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế, gây khó khăn cho hoạt động KBCB tại nhiều cơ sở KBCB, nhất là cơ sở KBCB công lập; còn về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ để khắc phục dứt điểm tình trạng này...
Liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong BHYT, đại biểu Trần Hồng Nguyên cho biết: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã bổ sung nhiều quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong BHXH, BHTN. Tuy nhiên, dự thảo Luật cơ bản không sửa đổi, bổ sung và quy định khá phức tạp về nội dung liên quan đến cấp thẻ, sử dụng thẻ BHYT. Đơn cử: Giữ nguyên tại khoản 2 Điều 17 của Luật hiện hành “Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ cấp thẻ BHYT, tổ chức BHYT phải chuyển thẻ BHYT cho cơ quan, tổ chức quản lý đối tượng hoặc cho người tham gia BHYT”; quy định tại khoản 1 Điều 28 dự thảo Luật về “Người tham gia BHYT khi đến KBCB phải xuất trình thông tin về thẻ BHYT”.
Như vậy, người tham gia BHYT vẫn phải chờ tổ chức BHYT gửi thẻ BHYT và sau khi nhận được thẻ thì mới được sử dụng vì khi KBCB phải xuất trình thẻ; trong khi đó cơ quan BHXH, cơ quan quản lý nhà nước về y tế và các cơ quan hữu quan đang xây dựng, vận hành, kết nối các cơ sở dữ liệu có liên quan, trong đó đã tích hợp đầy đủ thông tin về thẻ BHYT, lịch sử KBCB. Do đó, đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị rà soát, bổ sung các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BHYT để bảo đảm đồng bộ với các luật có liên quan và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động BHYT....
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia BHYT
Góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ĐBQH tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh bày tỏ thống nhất cao với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Tham gia ý kiến về sửa đổi, bổ sung Điều 22 (khoản 15 Điều 1 dự thảo); cụ thể điểm c khoản 1; Nghị định 146 liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên; đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị cần có sự phối hợp giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh trong việc thực hiện thủ tục thanh toán chế độ cho người dân khi tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục để đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia BHYT. Lý giải về vấn đề này, theo đại biểu, thực tế để thanh toán chi phí khám chữa bệnh khi tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục thì cơ quan chi trả (BHXH) buộc người bệnh phải có cung cấp đủ hóa đơn viện phí (bản chính) trong năm để được giải quyết chế độ. Từ đó, gây phiền hà cho người dân phải tự tập hợp chứng từ, hóa đơn trong khi những chứng từ này được số hóa tại cơ sở khám chữa bệnh.
Về sửa đổi, bổ sung Điều 26 (khoản 18 Điều 1 dự thảo), đối với quy định về đăng ký và khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu mở rộng phạm vi tuyến khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân có thẻ BHYT được khám chữa bệnh ở bất kỳ bệnh viện nào mà họ lựa chọn. Vì hiện nay, phí mua BHYT ngày càng tăng cao nhưng bên cạnh đó chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT ở các cơ sở khám chữa bệnh chưa được nâng cao gây bức xúc cho người dân...
Ngoài ra, để tiếp khắc phục những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm trong thời gian qua, đại biểu Bố Thị Xuân Linh kiến nghị sửa đổi bổ, sung thêm một số nội dung của Luật BHYT số 25/2008/QH12. Cụ thể về giám định BHYT (Điều 29): Trong thực tiễn, hoạt động giám định BHYT là hoạt động kiểm tra, đối chiếu các yêu cầu thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT của cơ sở KCB BHYT, của người tham gia BHYT với các quy định của pháp luật về BHYT, về KCB, các quy trình chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, danh mục dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế của Bộ Y tế và các quy định pháp luật liên quan để xác định chi phí KCB được thanh toán theo chế độ BHYT. Việc đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế, đánh giá việc chỉ định điều trị, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh là chức năng nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn, hội đồng chuyên môn của ngành y tế nên giao cơ quan BHXH thực hiện là không phù hợp. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh lại “Giải thích từ ngữ” về giám định BHYT và các nội dung giám định BHYT nhất là việc giao cơ quan BHXH đánh giá chuyên môn y tế, dẫn đến nhiều vướng mắc, bất cập giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB, làm chậm tiến độ thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 29 để phù hợp với thực tiễn nêu trên...