Sự lần lữa kìm hãm phát triển
Xã hội - Ngày đăng : 05:14, 28/10/2024
Mơ ước khốn cùng
“Đoàn kiểm tra ở tỉnh đã ở đây 3 hay 4 tuần gì đó, vừa đi 1 - 2 hôm nay thôi nên cô ở đây ngửi mùi hôi thối cả ngày lẫn đêm” – người đàn ông xin giấu tên, nói giọng Bắc theo kiểu như đang mỉa mai. Nhưng vẫn dí dỏm rằng, nếu mùi hôi thối này đong đếm được như tính cac bon thì chắc thôn Nam Hà có nhiều tiền lắm. Rồi ông thì thồ đầy bí mật là nghe cán bộ xã Đông Hà nói, cứ đoàn kiểm tra của tỉnh ở đây 1 tháng là trại heo Vissan (Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận - PV) tốn chi phí mua dung dịch phun xịt để môi trường xung quanh không có mùi hôi thối là khoảng 200 triệu đồng, chưa tính các chi phí vận hành khác. Nhưng nếu tinh ý thì trong 1 ngày có 2 thời điểm xuất heo, trại không thể phun xịt gì nên mùi hôi lan ra môi trường là 10 giờ sáng và 3 giờ chiều. Dù vậy cũng đỡ, ít nhất cũng hít thở không khí trong lành của xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu mà xã Đông Hà đang xây dựng.
Nè, chưa xã nào trong tỉnh có mức thu nhập bình quân cao như dân ở xã Đông Hà, đã được hơn 72,08 triệu đồng, bởi trong đó có tính vốn đầu tư vào các cụm công nghiệp. Cũng chưa có nơi nào trong tỉnh làm 2 con đường mà hầu như dân đều đồng lòng hiến đất, dù 1m ngang ở đây có giá đến 500 triệu đồng, thời điểm làm tuyến đường Đông Hà - Gia Huynh và 250 triệu đồng với thời điểm hiện tại, chuẩn bị mở rộng con đường Z30A. Nếu không có các cụm công nghiệp Nam Hà, Đông Hà hình thành thì giá đất ở đây có tăng “dựng đứng” như thế để bà con bán đi có tiền gửi ngân hàng không. Vì thế, dân hiến đất là bỏ lợi ích nhỏ của mình, hy vọng công nghiệp sớm đưa cuộc sống của họ sang trang mới, tức lên phố.
Người đàn ông nói một cách tự hào rồi lại bắt ngờ hỏi tôi: “Cô nghĩ xem, nếu là cô thì dù nhìn thấy hạ tầng ngon như này mà ngửi mùi hôi cả ngày lẫn đêm thì có muốn vào đây đầu tư không?”
“Nghe nói, các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đã và đang vào nhưng họ cứ bị mùi hôi thối này “đẩy đuổi” nên đang chần chừ…”– tôi nói để thể hiện đồng ý điều ấy với ông.
“Tôi nhớ là tháng 7/2020, UBND xã Đông Hà có tờ trình về việc đề nghị di dời trại heo Vissan. Sau đó, vài ngày UBND huyện Đức Linh có công văn triển khai hướng dẫn việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, cơ sở ô nhiễm đang tồn tại trong khu dân cư. Lúc ấy, công ty mẹ của trại heo Vissan cũng có kế hoạch di dời với lý do là bảo vệ con nuôi trước lượng người nhiều lên xung quanh. Thế mà, cứ lần lữa mất 4 năm, đến giờ lại nghe phải đến năm 2028-2029, trại heo Vissan mới di dời được. Vì nghe nói trại này đúng quy hoạch. Chẳng lẽ, đúng quy hoạch thì có quyền xả mùi hôi ra môi trường à! Tôi thấy ở Đồng Nai, người ta dọn hàng loạt trại heo ra khỏi khu dân cư một cách nhanh chóng” – người đàn ông thở dài.
Tôi nghe đâu đó trong sâu thẳm là sự bức bối của nỗi tuyệt vọng. Bỗng người đàn ông ước là đoàn kiểm tra ở tỉnh cứ về đây nằm miết từ tháng này qua tháng nọ là thế nào cũng tìm ra bằng chứng vi phạm môi trường. Còn không, để minh chứng trại bảo vệ môi trường như lời nói thì phải tăng chi phí trong mua dung dịch phun xịt như một tháng qua. Cứ mất 200 triệu đồng mỗi tháng cho môi trường xung quanh không mùi hôi thối thì cũng đến lúc, kinh doanh thua lỗ phải ngừng hoạt động…
Ánh mắt ông bỗng lóe lên sự tính toán. Mãi đến khi ra tận khu vực Giáo xứ Nam Hà, cách các cụm công nghiệp, khu dân cư Nam Hà đến 1,5 km để uống ly nước nhưng mùi hôi thối vẫn theo gió tấp vào mũi từng hồi, tôi càng cảm thông hơn về ước mơ mang tính chất khốn cùng ấy của ông.
Bí mật trong vườn cao su
Đã trưa nhưng không thấy mặt trời. Những ngày giữa cuối tháng 10 này, ở Đông Hà nói riêng, Đức Linh nói chung, người dân nói thường là ít nắng. Trời mát là lợi thế cho những ai muốn đi tìm câu trả lời về môi trường bị hôi thối, nhất là bây giờ những vườn cao su quanh trại heo Vissan đã vào thời điểm già hóa, phải khai thác. Hơn 1 năm trước, khi tôi về đây tìm hiểu thì bị vướng bởi những vườn cao su. Dân ở đây bảo rằng trại heo Vissan xả thải vào các vườn cao su, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt 200 triệu đồng, vì xả chất thải chưa qua xử lý ra mương nước kề bên vào năm 2019. Biết thế, vì mùi hôi thối vẫn thường trực hàng ngày. Nhưng khó bắt quả tang, vì vườn cao su rộng. Rồi những nghi ngờ ấy cũng được bóc gỡ ra từng lớp. Tháng 3/2024, vườn cao su ở bên kia đường Đông Hà - Gia Huynh được chặt hạ, vì đã quá già cỗi. Còn bên này đường là mặt sau của trại heo Vissan. Người dân gọi điện thoại muốn tôi vào xem hiện trường, để chứng minh những gì họ nói lúc trước là đúng.
Lúc ấy, trước mắt tôi, một vùng đất rộng lớn hiện ra vương vãi trắng xám dây nhợ, ống nhựa. Tinh ý còn phát hiện ra những đường ống nằm khuất dưới lớp lá cây khô dẫn nước đen ngòm vào ao, hố, hầm được đào giữa vườn cao su để chứa nước thải. Bấy giờ đang là mùa nắng gắt nhưng trong ao vẫn còn nước đen ngòm. Chúng tôi lần theo đường ống thì thấy bằng cách nào đó, đường ống ấy được đặt qua cống con đường, còn bên kia đường chỉ có trại heo Vissan và vườn cao su.
Hôm nay, ngày 17/10/2024, người dân lại dẫn chúng tôi đi vào 1 vườn cao su khoảng 10 năm tuổi, nằm lọt thỏm so chung quanh nên mùi phân heo càng nồng nặc. Trên bức tường của trại heo Vissan tiếp giáp vườn cao su này là những ống xả đã đóng nắp, bố trí rất thấp, có thể hình dung khi mở nắp ra là nước xả của trại heo được đẩy xuống vườn cao su im ru, không ai nghe được và lúc ấy, mùi hôi thối lan tỏa ra môi trường. Quanh vườn là những dây ống dẫn nước xả thải đọng lại đen ngòm... Màu đen đó ai tin nước thải đã qua xử lý? Đất ở những vườn cao su này có là chứng cứ, nếu ngành chức năng lấy mẫu đi kiểm nghiệm không? Bao nhiêu thắc mắc của dân nhưng chung quy lại là nếu nước thải đã xử lý đạt chuẩn để được xả ra môi trường thì sao trại heo Vissan không để dành nước ấy tưới cây, sử dụng rửa lại chuồng trại, nhất là vùng này vốn khan hiếm nước mà phải nhọc nhằn thông ống qua đường, qua cống… để xả nước rải khắp các vườn cao su? Còn tôi thì thắc mắc không biết hơn 1 năm qua, tổ kiểm tra, giám sát môi trường của huyện Đức Linh được thành lập từ chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải hoạt động như thế nào mà cứ có biến, dân lại nhờ báo chí?
“Bây giờ, dân ở đây không nói về mùi hôi nữa. Mà chỉ kiến nghị di dời trại heo Vissan đi nơi khác càng sớm càng tốt” – Ông Hà Ngọc Hoàng, Trưởng thôn Nam Hà, xã Đông Hà, huyện Đức Linh nói. Nhưng khi nghe trại này kiến nghị đến năm 2028 mới di dời, ông Hoàng lộ rõ sự thất vọng.
“Trời, nếu đi sớm thì thôn Nam Hà đỡ biết mấy. Vì khi không có mùi hôi, các nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh nhộn nhịp, dân trong thôn sẽ mở ra các dịch vụ, sẽ có thu nhập tốt. Để từ đó, đóng góp cùng nhà nước xây dựng hạ tầng, trước mắt là 15 tuyến đường xương cá. Tuyến đường nào cũng dài, băng qua đất nhiều nhà tính bằng sào, bằng ha nên tính sơ, mỗi hộ đóng ít nhất cũng 15 - 20 triệu đồng, có hộ phải đóng đến 60 triệu đồng/tuyến. Nếu đến năm 2028 thì không biết sao…”.
Câu lửng này khiến tôi nhớ tình huống tương tự của thời điểm hơn 1 năm trước, tại khu dân cư Nam Hà, một người thuê 1 gian thuộc khu dịch vụ ăn uống than rằng “Công nhân đang xây dựng công trình, họ ngại chạy xa nên bất chấp ruồi, bất chấp mùi hôi, em còn bán được. Chứ khi công nhân vào làm việc tại Nhà máy giày Nam Hà, với môi trường như này, họ tranh thủ ăn sáng phía đường ĐT 766 hoặc bên Đồng Nai rồi vào nhà máy, chắc quán em bị ế”. Bây giờ, khi tôi ngồi đây, đúng chỗ nơi các hàng quán xuất hiện đón đầu lượng khách công nhân của Nhà máy giày Nam Hà – Việt Nam nhộn nhịp của 1 năm trước là sự vắng lặng. Vì tất cả đã đóng cửa. Sao vô lý quá, phải thêm quán xá, khi công nhân đã đổ về chứ. Sao lại quay về như lúc ban đầu, không có gì!?.
Bên kia, Nhà máy giày Nam Hà - Việt Nam đã đi vào hoạt động lưng chừng giai đoạn 1 với 3.000 công nhân. Sang năm sẽ tăng lên 7.000 công nhân. Sẽ triển khai xây dựng nhà máy thuộc giai đoạn 2 của dự án thu hút đến 20.000 công nhân. Nhưng nghe nói lãnh đạo nhà máy yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Nam Hà phải có sự cam kết xử lý môi trường không mùi hôi rõ ràng để họ còn quyết định. Bên cạnh, nhà đầu tư thuê lại Cụm công nghiệp Nam Hà 2 cũng có yêu cầu tương tự. Trong khi đó, chủ đầu tư hạ tầng thì đang chờ chính quyền… trong trạng thái không có hồi kết. Bởi giữa năm ngoái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, đến 31/12/2023, trại heo Vissan phải di dời… Sang đầu năm 2024, HĐND huyện Đức Linh có cuộc họp yêu cầu trước ngày 1/1/2025, trại heo phải di dời theo Nghị quyết 04/2023 của HĐND tỉnh… Mới đây, UBND huyện Đức Linh có tờ trình gửi tỉnh truyền đạt kiến nghị của trại heo Vissan là đến năm 2028 - 2029 sẽ di dời. Một sự lần lữa kìm hãm phát triển…