Hiệu quả từ mô hình trồng tre tứ quý
Kinh tế tập thể - Ngày đăng : 15:04, 28/10/2024
Ước mơ tre
Sau nhiều cuộc hẹn, chúng tôi gặp chị trong trang trại bạt ngàn tre tứ quý, mô hình đạt giải nhì do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức. Khởi nghiệp mô hình này là chị phụ nữ đậm người, rắn rỏi không như cái tên Hồng Cẩm của chị. Có lẽ vì thế nên hành trình suốt hơn một năm qua để dự án đi vào hoạt động không hề đơn giản.
Chị Hồng Cẩm tại vườn tre
Chị bắt đầu câu chuyện, bằng một tình yêu với đất, với nơi mình sinh ra và lớn lên: “Tôi khao khát được mang những cây tre xanh tốt này để phát triển thành những vườn tre tại Bình Thuận, phủ xanh vùng quê yêu thương Bắc Bình. Những vườn tre sẽ mang lại lợi ích kinh tế, việc làm, bảo vệ môi trường và giáo dục bảo vệ môi trường cho cộng đồng”. Nhưng tại sao là tre, mà không phải là thứ cây khác, chị Cẩm cho biết: “Một lần xem tin tức, nghe cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về cây tre, tự nhiên truyền cảm hứng cho mình, rồi lao vào làm, lúc đầu cũng khó khăn nhiều, nhưng giờ đã ổn”.
Khó khăn mà chị nói là cây giống phải hợp thời tiết, phải nhiều bận đi khắp nơi mới tìm được nguồn giống thích hợp với vùng đất nơi đây. “Chỉ cần sống được, thì cây tre sẽ vươn mình”, chị Cẩm cho biết thêm. Vậy nên, khu vườn 1.700 cây tre nay đã sản sinh ra nguồn lợi kinh tế ổn định. Cây tre chỉ cần thời gian sinh trưởng và phát triển mạnh trong vòng 8 tháng đầu, không chỉ lấy măng, chị cùng với những người thân còn tận dụng làm nên nhưng cây tre bon sai để nâng sản phẩm ở một giá trị khác.
Khu đất 50.000 mét vuông bao phủ dọc ngang bởi tre tứ quý, xanh tốt sau những cơn mưa vừa rồi. Chú Sáu, người nông dân điển hình năm nào, giờ là người hỗ trợ cho chị Cẩm về kỹ thuật, cho biết: Vườn tre này tối ưu hóa việc sử dụng đất đai, nước và nguồn năng lượng bằng cách áp dụng các phương pháp như tưới tiết kiệm nước – vườn tre đang sử dụng hai hình thức tưới là tưới tràn và tưới hệ thống pét cung cấp nước đến từng bụi riêng lẻ. Ngoài ra còn xây dựng cả hệ thống hồ trữ để vừa tạo cảnh quan vừa tăng gia nuôi trồng thủy sản.
Hướng tới, mô hình của chị Hồng Cẩm sẽ sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước như hệ thống tưới nhỏ giọt, hệ thống tưới thông minh dựa trên dữ liệu và cải thiện cơ sở hạ tầng tưới tiết kiệm. Sau khi khu vườn tre tứ quý phát triển ổn định, có doanh thu thì khi đó chị Hồng Cẩm sẽ có thêm những đột phá.
Xu hướng kinh tế xanh
Mô hình tre tứ quý của chị Hồng Cẩm từ những ngày đầu bắt tay vào thực hiện đã gặp được nhiều thuận lợi. Đầu tiên là chị nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của người thân trong gia đình - những người từng là nông dân sản xuất giỏi ở địa phương, những cộng sự “yêu” cây tre và muốn mô hình này phát triển bền vững. Chị Cẩm cho biết: “Vườn tre canh tác hữu cơ, sử dụng phân trâu bò, gà để bón. Hệ thống nước tưới từ hồ nuôi cá trữ nước và làm giàu dinh dưỡng, cải thiện chất lượng đất đai và giảm tác động đến môi trường.
Từ ngày có vườn tre, chị Hồng Cẩm cũng tạo điều kiện cho lao động trực tiếp và gián tiếp học tập và thí điểm khởi nghiệp, hướng đến phát triển kinh tế tập thể ở địa phương. Ngoài ra chị thu mua thêm măng từ các vườn tre xung quanh để cung cấp cho các chợ đầu mối lân cận như Di Linh, Đà Lạt.
Cây tre tứ quý có khả năng hấp thụ CO2 cao và cải thiện chất lượng không khí, có thể hướng đến xây dựng vùng trồng lớn để giúp cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải CO2. Ngoài ra còn là nguyên liệu tự nhiên thân thiện môi trường khi được sử dụng làm vật liệu xây dựng, sản xuất thủ công mỹ nghệ, vật dụng gia đình...
Từ món ăn mẹ hay làm thuở nhỏ, món măng là một trong những món quen thuộc trong bữa cơm gia đình, giờ thì đây là mô hình kinh tế trong xu hướng phát triển chung của kinh tế tập thể, góp phần phát triển kinh tế địa phương.