Phú Lạc: Liên kết sản xuất tập thể, nâng cao giá trị cây trồng

Kinh tế tập thể - Ngày đăng : 05:28, 30/10/2024

Những năm qua, không ít nông dân trên địa bàn xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới để phát triển cây nho. Với cách làm này đã cung cấp các sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng cũng như phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, hướng đến liên kết phát triển kinh tế tập thể ở địa phương.
nho-6.jpg
Giống nho hồng nhật trồng trên vùng đất Phú Lạc

Đang thu hoạch lứa nho hồng nhật với giá bán tại vườn 70.000 đồng/kg, anh Đàng Anh Tú (thôn Vĩnh Hanh) rất vui mừng vì vụ đầu tiên đã thu được “quả ngọt”. “Lứa đầu thuận lợi, năng suất đạt 3,5 tấn trên diện tích 2,5 sào với 700 gốc nho, nên rất phấn khởi. Tôi đã không ngần ngại đăng ký tham gia ngay vào Tổ hợp tác trồng nho, dự kiến ra mắt vào tháng 11 năm 2024”, anh Tú nói.

Trước khi bén duyên với giống nho này, anh Đàng Anh Tú đã từng thử nghiệm trồng lúa, hành. Nhưng nhận thấy nhu cầu thị trường và giá cả của loại trái cây này thời gian gần đây rất được khách hàng ưa chuộng nên đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Trên toàn bộ diện tích, anh làm nhà lưới bao phủ giúp kiểm soát các yếu tố ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, từ đó tạo ra một môi trường ổn định và tối ưu cho cây nho sinh trưởng và phát triển.

nho.-phu-lac.jpg
Anh Đàng Anh Tú đăng ký tham gia vào Tổ hợp tác trồng nho của xã.

Anh Đàng Anh Tú chia sẻ: “Từ khi xuống giống, tôi sử dụng lượng lớn phân chuồng trong quá trình chăm sóc cho cây và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để đảm bảo chất lượng cho trái. Cùng những kiến thức học được từ các nhà vườn trồng nho trên địa bàn, thông tin từ internet, cán bộ nông nghiệp… vì thế đã đạt những kết quả khả quan”.

Cây nho đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở Phú Lạc và ngày càng được mở rộng diện tích. Theo ông Lâm Duy Tự - cán bộ nông nghiệp xã Phú Lạc, hiện toàn xã có gần 40 ha sản xuất nho các loại, như giống nho hồng nhật, nho móng tay, nho kẹo… Vì thế để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại địa phương, không còn cách nào khác nông dân phải hợp tác lại để “mua chung, bán chung, dùng chung”, tạo lập và phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao, có sản lượng đủ lớn để đàm phán giá bán với thương lái, doanh nghiệp và cạnh tranh trên thị trường. Cũng như các địa phương khác, Phú Lạc đã thành lập được Tổ hợp tác trồng táo với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu sạch hướng đến trái tươi. Các sản phẩm chế biến từ táo đã được công nhận sản phẩm OCOP. Sắp tới đây tiếp tục thành lập tổ hợp tác trồng nho, với 12 thành viên.

nho-3.jpg
Việc hình thành các tổ hợp tác sẽ thúc đẩy lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại địa phương

Để các tổ hợp tác hoạt động hiệu quả hơn và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất, liên kết, xã Phú Lạc sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu đúng cùng tham gia. Khi vào các tổ hội, các thành viên được tạo điều kiện tập huấn, nâng cao kiến thức về quy trình sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật, thuận lợi để vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân. Nhờ đó cải thiện, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng “tình làng, nghĩa xóm”, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Đồng thời, xây dựng và phát triển các sản phẩm tiềm năng, chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương; góp phần tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống thành viên và người lao động khu vực kinh tế tập thể.

Thùy Linh