Đông Giang: Chăm lo, tạo sinh kế giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

Dân tộc - Phát triển - Ngày đăng : 05:33, 31/10/2024

Đa dạng hóa sinh kế và tăng cường các chính sách hỗ trợ, đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Đông Giang (huyện Hàm Thuận Bắc).

Mô hình giảm nghèo

Anh K Văn Tính ở thôn 1, xã Đông Giang là 1 trong 2 hộ dân của xã được hỗ trợ 11 con heo cỏ giống bản địa (10 con cái và 1 con đực) với mục tiêu nhằm góp phần khôi phục lại đàn heo tại địa phương và tăng sinh kế cho người chăn nuôi vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình do Phân viện Chăn nuôi Nam bộ phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận tổ chức. Sau khi được chuyển giao giống heo cỏ, anh Tính được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ thức ăn, thú y trong thời gian đầu. Với kinh nghiệm nuôi heo cỏ lâu năm nên việc chăm sóc heo cỏ với anh Tính không có gì khó khăn. Sau gần 6 tháng chăm sóc, đến nay đàn heo cỏ đang phát triển khỏe mạnh. Điều đáng mừng, trong 10 con cái được hỗ trợ giống đến nay đã có 6 con mang bầu. Ngoài ra, hiện anh Tính đang nuôi thêm 30 con heo đen lai để tăng thêm kinh tế cho gia đình.

76b58b54-9803-41ec-897b-5ffd995738fb.jpeg
23ffacae-af9d-45bb-a4ac-fcd1d1d64d27.jpeg
Mô hình nuôi heo cỏ của anh K Văn Tính.

Theo anh Tính, heo cỏ rất dễ nuôi, kháng bệnh tốt, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thức ăn chính của heo cỏ là rau, củ, chuối cây, khoai lang, khoai mì... nên chi phí không đáng kể. Tuy nhiên, muốn cho heo phát triển nhanh, nhất là trong thời kỳ heo sinh sản cũng cần cho heo mẹ ăn thêm thực phẩm nhiều đạm để đủ dinh dưỡng nuôi con. Đặc biệt, loài heo này tự phối giống, tự sinh con và cho bú theo bản năng sinh tồn, không cần đến sự can thiệp của con người... Theo tính toán của anh Tính, 1 con giống heo cỏ bán ra thị trường giá 700.000 - 800.000 đồng, nếu chăm sóc tốt sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con. Anh Tính cho biết: “Theo phương án cam kết với xã, khi heo mẹ sinh sản, nếu các hộ dân ở địa phương có nhu cầu mua heo giống tôi sẽ bán với giá thấp hơn so với thị trường để nhân rộng mô hình nhằm góp phần khôi phục đàn heo tại địa phương và tạo sinh kế nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo cho người dân”.

Ngoài mô hình nuôi heo đen, hiện xã đang triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế góp phần giảm nghèo như nuôi bò sinh sản, nuôi dê sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo...

deaa45cb-2adc-44e1-adc7-4cd2b3cc10e2.jpeg
Trồng bắp lai tại xã Đông Giang.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Ông K’ Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Giang cho biết: “Thời gian qua, xã Đông Giang đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt nhiều kết quả nổi bật. Nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư để phát triển về kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân”. Nổi rõ, dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống cho người dân. Thực hiện sửa chữa thiết chế văn hóa, thể thao thôn. Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo trên địa bàn xã được hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững...

34eabca1-c042-4dc7-9802-f4804aa6dc50.jpeg
Thiếu nhi xã Đông Giang được nhận quà dịp Trung thu.

Cùng với đó, xã Đông Giang đã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chế độ, chính sách người có công, hộ nghèo, cận nghèo và giải quyết việc làm cho lao động được quan tâm thường xuyên. Minh chứng, trong 9 tháng đầu năm 2024, xã Đông Giang đã vận động các nguồn lực tổ chức cấp phát 1.683 phần quà từ thiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách, già neo đơn với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng; tặng 1.638 phần quà cho học sinh, trao 74 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, tặng 10 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo với tổng trị giá gần 680 triệu đồng. Đồng thời, tổ chức khám chữa bệnh cho 104 người nghèo và giải quyết việc làm cho 139 lao động.

Có thể thấy, từ các chương trình, chính sách giảm nghèo đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Đông Giang vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng lên. Văn hóa, xã hội có bước phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đoàn kết dân tộc ngày càng gắn kết chặt chẽ, lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước tiếp tục được nâng lên.

Đông Giang là 1 trong 3 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hàm Thuận Bắc với phần lớn là đồng bào K’ho, Raglai sinh sống. Toàn xã có 880 hộ/3.410 khẩu, hiện hộ nghèo toàn xã còn 109 hộ, chiếm tỷ lệ 12,38%; hộ cận nghèo 19 hộ, chiếm tỷ lệ 2,15%.

Thanh Thuỷ