Vùng nông thôn đẹp hơn nhờ giao thông nông thôn

Xã hội - Ngày đăng : 05:37, 31/10/2024

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện 1.581 km/2.167,5 km đường giao thông nông thôn (GTNT) theo đề án của tỉnh. GTNT không chỉ giúp người dân thuận lợi hơn trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa mà còn tạo nên diện mạo cho vùng nông thôn Bình Thuận xanh sạch đẹp và trù phú...

Chuyện góp nhặt từ Măng Tố...

Cuối tháng 10, tôi về xã Măng Tố một xã nghèo ở huyện miền núi Tánh Linh cách xa Phan Thiết hơn 100 km. Măng Tố đang tất bật làm một số tuyến GTNT, tiêu chí đang thiếu để kịp về xã nông thôn mới trong năm nay. Ở thôn 5 năm nay có 4 tuyến đường phải làm, dân đã đóng tiền nhưng do chờ thủ tục pháp lý nên hôm nay mới ra quân làm. Hàng chục người náo nức khi những con đường được đổ bê tông, dù không có trách nhiệm và công trình đã có biển cảnh báo đang thi công nhưng do sợ trâu bò và những động vật khác quen đường vô tình đi vào chỗ bê tông mới đổ sẽ làm hỏng đường nên người dân tự nguyện đứng trực đầu và cuối đường để chờ đường khô.

1fca0b741132ba767d7fc28c7d097667-2-.jpg
Làm đường giao thông nông thôn ở thôn 5, Măng Tố.

Việc thôn 5 được làm mới các tuyến đường khiến người dân háo hức chờ con đường hình thành nên đi đâu cũng nghe bàn luận về chất lượng bê tông đổ. Các tuyến đường GTNT do có một phần dân đóng góp và người dân được quyền lựa nhà thầu thi công nên đa phần trước khi đường được làm, thôn họp dân và lấy ý kiến để chọn nhà thầu. Ở thôn 5, dân chọn Công ty xây dựng H.N, lý do là giám đốc công ty là người từng sinh sống trong thôn, anh muốn có một chút đóng góp cho địa phương.

Anh Hoàng Văn Ánh – Giám đốc Công ty xây dựng H. N, tâm sự: “Khi nghe thôn có chương trình làm đường GTNT, anh đã đăng ký làm việc và hứa sẽ làm công trình chất lượng với công nghệ mới nhất. Công ty chấp nhận lỗ hơn vốn 1 ít nhưng làm tuyến đường phục vụ cho nơi mình từng ở và hiện nay là bà con họ hàng tôi đang ở nên xem như là giúp đóng góp một phần nhỏ cho thôn và địa phương...”. Ngoài anh Ánh, Măng Tố còn có doanh nghiệp H. Đ cũng sẵn sàng đóng góp hàng trăm triệu đồng ủng hộ dân làm GTNT. Ở Măng Tố dù người dân còn nghèo nhưng cũng có nhiều người lên thành phố lập nghiệp thành công nên đã đóng góp về giúp địa phương bắt camera an ninh trật tự, làm đường. Đơn cử gia đình anh Nguyễn Xuân Tuyên ở thôn 6 đã góp hơn 1 tỷ đồng làm đường bê tông 500 m vào nghĩa trang, tài trợ lắp đạt 84 trụ bê tông cao 8 m bắt đèn đường để góp phần bảo đảm an toàn giao thông cho dân đi lại vào ban đêm, bảo đảm an ninh trật tự và góp phần nâng diện mạo xã vùng sâu có thôn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống...

zalo_585463370460814.jpg
Đường giao thông nông thôn ở xã Nam Chính (Đức Linh).

Đến hàng ngàn tuyến GTNT có sức dân đóng góp

Ngày 26/10/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 10 về tiếp tục phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% km đường giao thông nông thôn (cả ở địa bàn khu phố) được kiên cố hóa, tập trung trước hết ở các tuyến đường trên địa bàn dân cư và 28 xã còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã chưa hoàn thành tiêu chí 2 về giao thông và các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đường nội bộ trên các thôn, xóm, bản; đường vào khu sản xuất tập trung; đường hẻm, ngõ ngách trong đô thị...

zalo_586790714185816.jpg
GTNT ở thôn 3 xã Đức Phú ( Tánh Linh)

Ông Nguyễn Quốc Nam – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Triển khai thực hiện nghị quyết, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3727 phê duyệt Đề án tiếp tục phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, kế hoạch phát triển giao thông nông thôn 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025) thực hiện đảm bảo mục tiêu đề ra, cụ thể: Đầu tư xây dựng mới với khối lượng thực hiện đạt ít nhất 457 km đường với tổng kinh phí đầu tư 521 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 341 tỷ đồng, phân ra: Ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 260 tỷ đồng; ngân sách huyện hỗ trợ tối đa không quá 81 tỷ đồng. Nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong xã hội tối thiểu 180 tỷ đồng. Khối lượng đường giao thông nông thôn được cứng hóa theo Đề án giai đoạn năm 2011 - 2020 là 1.277 km/2.167,5 km, đạt tỷ lệ 58,92%; lũy kế đến hết năm 2023: 1.581 km/2.167,5 km, đạt tỷ lệ 72,94%; lũy kế đến hết năm 2025 theo Đề án được duyệt là 1.734 km/2.167,5 km, đạt tỷ lệ 80%... Đề án với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% km đường giao thông nông thôn (cả ở địa bàn khu phố) được kiên cố hóa.

Bây giờ không chỉ các xã ở gần đô thị có điều kiện phát triển kinh tế mà về các xã ở vùng sâu vùng xa như Măng Tố (Tánh Linh), Đa Kai (Đức Linh), Đông Giang, Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc) hay Phan Điền (Bắc Bình)... đi trên những tuyến đường bê tông thẳng tắp chạy sâu vào cuối thôn, xóm nhìn những ngôi nhà mới xây của người dân do được mùa trúng giá mấy vụ lúa vừa qua hay có gia đình có lãi lớn từ hồ tiêu, hạt điều, cà phê, sầu riêng, cao su... Cảm nhận được vùng quê Bình Thuận đang thay da đổi thịt hàng ngày. Sự trù phú ấy một phần từ chủ trương huy động sức dân đóng góp vào làm GTNT...

Trần Thi