Ưu tiên dùng hàng Việt sẽ thúc đẩy sản phẩm kinh tế tập thể
Kinh tế tập thể - Ngày đăng : 14:28, 04/11/2024
Trong gian bếp nhỏ của chị Huỳnh Thu Vân (phường Xuân An, TP. Phan Thiết) tất cả các đồ dùng đều là hàng Việt, từ nồi cơm, nồi chiên, bếp nướng đến những vật dụng nhỏ. Là thợ làm bánh cần rất nhiều dụng cụ, bao bì các loại, nhưng theo chị, hàng trong nước sản xuất chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu lại vừa giảm chi phí cho khách hàng nên bao năm làm nghề, chị vẫn tin dùng sản phẩm của các nhà sản xuất trong nước.
Không chỉ chị Vân, mà giờ đây, nhiều chị em đang dần tin sử dụng hàng Việt Nam phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày. Trong đó có nhiều sản phẩm khởi nghiệp của các hội viên, phụ nữ, tổ hợp tác, hợp tác xã trong tỉnh. Tiêu biểu như sản phẩm đũa buông của Hợp tác xã Thái Nguyên (Tánh Linh), chén, bát và các đồ đựng gia vị bằng gốm của cơ sở gốm sứ Tu Hú (Đức Linh), trang trí nhà cửa bằng tranh làm bằng giấy xoắn, sử dụng sản phẩm lau rửa từ xơ mướp, thảm lót sàn từ vải vụn…
Hình thành thói quen ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam mà bắt đầu từ những người phụ nữ - người nắm giữ “tay hòm chìa khóa” trong gia đình. Bởi thế, các cơ sở Hội xác định công tác tuyên truyền rất quan trọng. Từ những buổi sinh hoạt định kỳ chi, tổ, hội, đến tập huấn và trang cá nhân, hội nhóm, các nội dung này đều được phổ biến rộng rãi. Hiện nhiều cơ sở vẫn duy trì tổ/câu lạc bộ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhằm cam kết buôn bán những mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; giới thiệu, lan tỏa sản phẩm hàng Việt chất lượng; sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp ở địa phương. Ngoài ra, phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn chị em tích cực hưởng ứng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, biển đảo.
Bên cạnh đó, để sản phẩm địa phương tiếp cận nhiều hơn với thị trường, các cấp Hội chú trọng đến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ; quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh. Hội LHPN các cấp đã chỉ đạo thành lập các mô hình kinh tế tập thể nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cải tiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã phong phú, đa dạng, giá thành giảm, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đặc biệt thời gian gần đây, các cấp Hội tiếp tục phát huy hiệu quả các gian hàng giới thiệu sản phẩm sạch, an toàn tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp cấp huyện, cấp tỉnh, hội nghị, hội thảo, đại hội... nhằm huy động sự tham gia của hội viên, phụ nữ thực hiện “sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch”.
Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh đề ra nhiệm vụ đa dạng hóa hình thức tuyên tuyền nhằm vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tự giác thay đổi nhận thức, hành vi trong mua sắm, tiêu dùng hàng ngày; ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước, trong tỉnh sản xuất. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ” và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Duy trì các mô hình kinh tế tập thể đã xây dựng, thành lập các mô hình hợp tác xã kiểu mới theo hướng liên kết và tổ chức hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp...