Tổ hợp tác sản xuất bánh tráng mì Thiện Nghiệp

Kinh tế tập thể - Ngày đăng : 05:08, 05/11/2024

Phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng, phát triển kinh tế tập thể, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết đã quan tâm tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các loại hình hợp tác sản xuất. Trong đó, Tổ hợp tác làm bánh tráng mì thủ công truyền thống đang góp phần làm đa dạng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân ở xã nông thôn mới.
img_7895.jpg
Chị Nguyễn Thị Kim Quyên đang tráng bánh.

Tranh thủ những ngày nắng sau ảnh hưởng của cơn bão số 4, vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Quyên (thôn Thiện Hòa, xã Thiện Nghiệp) thức dậy từ sáng sớm để trộn bột, xay dừa, xay gia vị, đãi mè… để làm bánh tráng cho kịp hàng giao khách. Hơn 20 kg bột mì đã được chị định lượng sẵn làm trong ngày.

img_7839.111.jpg
Chị Quyên duy trì nghề đã 20 năm.

6 giờ sáng, chị Quyên đã “ôm” miệng lò tráng bánh cho đến 12 giờ trưa mới xong. Bánh làm hoàn toàn bằng thủ công nên mất nhiều thời gian. Thời tiết nắng cộng với hơi nóng từ bếp củi, nồi hơi phả ra suốt mấy giờ liền khiến thân hình chị dường như quắt lại. Vậy mà người phụ nữ ấy đã theo nghề đến nay 20 năm. Chị Quyên chia sẻ: “Mỗi lần làm là chỉ mong thời tiết nắng mạnh, có thế bánh mới nhanh khô, giòn, chất lượng ngon hơn. Thay vì vất vả ngoài nương rẫy thì mình lao động tại chính gian bếp của gia đình. Nghề đã giúp tôi trang trải cuộc sống hàng tháng, với nguồn thu từ 5 – 7 triệu đồng”.

img_7819.111.jpg
Công đoạn tráng bánh làm hoàn toàn bằng thủ công.

Khác với các hộ sản xuất bánh tráng trong tỉnh, hiện nay các hộ làm bánh tráng ở Thiện Nghiệp vẫn còn thực hiện bằng phương pháp tráng thủ công truyền thống. Nguyên liệu bột mì được trộn đều cùng các loại gia vị, hành xay nhỏ, hạt mè và cùi dừa xay – một sản phẩm tại địa phương. Vì vậy, mỗi chiếc bánh tráng sau khi nướng ăn rất vừa miệng, có vị thơm của mè và vị béo của dừa. Đây cũng là lý do khiến nhiều nhà hàng trên địa bàn Mũi Né, Hàm Tiến và khu vực TP. Phan Thiết ưu tiên lựa chọn bánh tráng Thiện Nghiệp.

Tuy nhiên do công việc khá vất vả, nên trên địa bàn xã chỉ còn 5 hộ làm nghề, chủ yếu tập trung tại địa bàn thôn Thiện Hòa. Để tăng tính liên kết, quảng bá sản phẩm của địa phương, các hộ đã được tập hợp lại thành Tổ hợp tác làm bánh tráng mì thủ công truyền thống Thiện Nghiệp vào năm 2022. Tổ do chị Huỳnh Thị Kim Ánh làm tổ trưởng và chị Nguyễn Thị Kim Quyên làm tổ phó.

img_7870.111.jpg
Chị Nguyễn Thị Kim Quyên làm tổ phó Tổ hợp tác làm bánh tráng mì thủ công truyền thống Thiện Nghiệp.
img_7930.jpg

Bà Lê Thị Thu Hải - Chủ tịch Hội LHPN xã Thiện Nghiệp cho biết: Các thành viên trong tổ đang phát huy tốt vai trò của mình để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2023, khi mang ý tưởng duy trì, phát triển nghề bánh tráng mì truyền thống tham gia hội thi phụ nữ khởi nghiệp TP. Phan Thiết, chị Huỳnh Thị Kim Ánh đã thuyết phục được các thành viên Hội đồng thẩm định, ban giám khảo và giành luôn giải nhất. Điều đó cho thấy sản phẩm truyền thống vẫn có thể đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đây là cơ sở để tổ hợp tác cần phải duy trì, củng cố hơn nữa nhằm mở rộng thị trường, chú ý đến chất lượng sản phẩm.

img_7923.jpg
Sản phẩm bánh tráng mì Thiện Nghiệp.

Cũng theo bà Lê Thị Thu Hải, sắp tới Hội LHPN xã sẽ khảo sát, dựa trên nhu cầu thực tế của các thành viên trong tổ hợp tác để hỗ trợ vay vốn sản xuất, giới thiệu quảng bá thương hiệu thông qua kênh truyền thông, mạng xã hội, kiến thức khoa học, công nghệ, tham quan làng nghề trên địa bàn tỉnh… giúp chị em nâng cao thu nhập. Một khi tổ hợp tác lớn mạnh sẽ là điều kiện để giải quyết thêm việc làm cho lao động nông thôn, mở ra cơ hội kết nối quảng bá du lịch, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển quê hương.

Thùy Linh