Sổ tay phóng viên: 2 mặt trong “chuyển nợ” tín dụng
Kinh tế - Ngày đăng : 05:10, 05/11/2024
Việc “chuyển nợ” cần có sự thống nhất của 3 bên đó là yêu cầu của khách hàng, ngân hàng nhận nợ mới cho khách hàng và ngân hàng nơi khách hàng đang nợ tín dụng. Việc chuyển nợ được Ngân hàng Nhà nước cho phép gần 1 năm nay. Ở Bình Thuận việc “chuyển nợ” diễn ra khá nhiều giữa khách hàng và các ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng khá bức xúc khi bị “trói chân” vào điều khoản tiền phạt từ ngân hàng cho vay khi trả nợ trước hạn nên không thể “chuyển nợ”...
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận, đến 30/9/2024, vốn huy động toàn tỉnh đạt 59.020 tỷ đồng, tăng 1,8% so cuối năm 2023. Tổng dư nợ đạt là 91.364 tỷ đồng, tăng 4% so cuối năm 2023, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đạt 17.599,5 tỷ đồng, chiếm 19,4% tổng dư nợ cho thấy lực lượng doanh nghiệp trong tỉnh vay vốn khá nhiều để đầu tư cho kinh doanh sản xuất. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp trong tỉnh còn “vướng” nợ xấu do ảnh hưởng từ đại dịch Covid – 19 nên khó được vay thêm vốn. Mặt khác khi chính sách cho “chuyển nợ” thì số doanh nghiệp có đủ nội lực về kinh tế và không vướng nợ xấu cần vay vốn thì được quyền lựa chọn gói vay và chọn ngân hàng nên việc các ngân hàng chào mời khách hàng càng “khốc liệt” hơn. Đơn cử là nhiều ngân hàng đua nhau hạ lãi suất cho vay, nhiều gói cho doanh nghiệp, cá nhân vay mới với lãi suất ưu đãi được triển khai đồng loạt tạo cơ hội cho doanh nghiệp, cá nhân “chuyển nợ”.
Với nợ cũ nhiều doanh nghiệp phải “gồng gánh” lãi suất từ 7 – 12%/năm, trong khi đầu năm 2024 hàng loạt các Ngân hàng như Agribank, BIDV đưa ra các gói vay với lãi suất ưu đãi từ 4 – 6% nên khá nhiều doanh nghiệp không vướng nợ xấu tìm cách “chuyển nợ” để giảm gánh nặng lãi suất. Đồng thời có khả năng vay thêm vốn bởi chứng minh được phương án trả nợ khả thi khi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid – 19. Về phía ngân hàng cũng rất cần những khách này bởi 2 vấn đề là yên tâm khi rót vốn đầu tư cho khách hàng có nội lực kinh tế, vốn đầu tư đúng mục đích và có hiệu quả. Mặt khác khách hàng “sạch” tồn tại trên địa bàn tỉnh không nhiều như trước đây nên hầu hết khi những khách hàng này đã vay vốn ở ngân hàng nào thì ngân hàng đó bằng mọi cách cố gắng giữ khách hàng của mình cho bằng được. Vì vậy có cuộc “giằng co” giữa các ngân hàng với nhau khi một bên khách hàng muốn đi, một bên ngân hàng muốn giữ khách hàng và bên ngân hàng khách muốn có khách hàng.
Theo quan sát của phóng viên, cuộc “giằng co” giữa 3 bên ngân hàng – khách hàng – ngân hàng ít xảy ra với nhau giữa ngân hàng có yếu tố Nhà nước mà đang xảy ra giữa các ngân hàng thương mại cổ phần với nhau và giữa ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng có yếu tố Nhà nước. Tuy vậy, việc mua bán nợ giữa ngân hàng – khách hàng – ngân hàng đôi khi khá thuận lợi nhưng có lúc khách hàng bị buộc vào thế “đi không được mà ở cũng không xong”. Đơn cử như doanh nghiệp H. ở Hàm Thuận Bắc trước đây vay ở ngân hàng B. 5 tỷ đồng với lãi suất 9%/năm, khi biết bên ngân hàng L. lãi suất thấp hơn đã liên lạc với ngân hàng L. đề xuất “chuyển nợ”. Hồ sơ có sẵn nên ngân hàng L. chỉ cần thẩm định lại tài sản của công ty H. sau 5 ngày đã hoàn thành thủ tục mua bán nợ thành công. Vậy là cả ngân hàng L có lợi khi có thêm khách hàng mới, còn công ty H. có lợi khi cùng một khoản vay nhưng chịu lãi suất thấp hơn so với trước đây vay ở ngân hàng B. Ở một chiều hướng khác, một khách hàng “than trời” khi xin “chuyển nợ” bị vướng vào khoản phạt hợp đồng với số tiền lớn nên “tiến thoái lưỡng nan”. Anh T. ở thị xã La Gi đang vay hơn 7 tỷ đồng ở ngân hàng O. Qua trao đổi anh được ngân hàng V. chấp nhận mua nợ và cho vay thêm bởi tài sản thế chấp của anh T. vay chưa tới 50% theo định giá. Tuy nhiên, khi anh T. làm việc với ngân hàng O. đề xuất “chuyển nợ” thì ngân hàng O. đưa ra khoản phạt hơn 200 triệu đồng do trả trước hạn. Việc xử phạt khiến anh T. lúng túng, bởi đi qua bên ngân hàng V. thì khoản giảm lãi suất vài tháng mới tương ứng với tiền phạt. Nếu ở lại thì phải chịu lãi suất cao hơn mặt bằng chung của khoản vay. Anh T tâm sự: Ấm ức thật nhưng trước đây khi ký hợp đồng không nghĩ tới, giờ bị “níu chân” không biết nên để yên chịu mức lãi suất hay rút đi ngân hàng khác...”.
Chủ trương việc mua bán nợ giữa các ngân hàng và khách hàng là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân có quyền lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay. Đồng thời tạo cơ hội cho các cơ sở kinh doanh giảm áp lực với lãi suất ngân hàng, tăng nguồn tái đầu tư sau đại dịch Covid – 19. Tuy nhiên, mặt hạn chế là mức phạt quá cao của một số ngân hàng thương mại cổ phần (mang yếu tố tư nhân) khi khách hàng trả nợ trước hạn. Đây là hạn chế đã “trói buộc” khách hàng, làm doanh nghiệp hộ kinh doanh không nắm bắt được cơ hội để tiết kiệm chi phí, tăng cường sản xuất kinh doanh...