HTX tổng hợp nông nghiệp hữu cơ Hàm Phú: Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ
Kinh tế tập thể - Ngày đăng : 05:16, 06/11/2024
Cánh đồng “không dấu chân”
Một ngày đầu tháng 11, chúng tôi có mặt tại cánh đồng xóm 2, thôn Phú Lạc, xã Hàm Phú để tìm hiểu về mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương “Cánh đồng không dấu chân” (gọi mô hình) của Hợp tác xã tổng hợp nông nghiệp hữu cơ Hàm Phú. Mô hình này có 7 thành viên của HTX tham gia trên diện tích 10 ha dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận. Tất cả các công đoạn sản xuất lúa được sử dụng cơ giới hóa như đất được làm nhuyễn bằng máy, gieo lúa bằng máy sạ cụm kết hợp máy bay không người lái bón lót cho cây lúa gieo sạ. Quá trình phun thuốc bảo vệ thực vật cũng sử dụng thiết bị bay không người lái...
Ông Trương Ngọc Quý - Giám đốc Hợp tác xã Hàm Phú cho biết: “Mô hình được HTX triển khai từ đầu tháng 7/2024 đến nay lúa đã hơn 55 ngày tuổi, hiện lúa đang chuẩn bị trổ đòng và phát triển rất tốt. Điều thuận lợi khi triển khai mô hình này là được thực hiện bằng cơ giới hóa nên giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường và mang giá trị kinh tế cao cho người trồng lúa. Ví như, với giống lúa đang trồng là Hưng Long 555 khi thực hiện mô hình mới này giống gieo chỉ tốn 10 kg/sào, tiết kiệm được 15 -20 kg lúa giống so với phương pháp gieo sạ truyền thống. Nếu mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, HTX sẽ nhân rộng mô hình, đồng thời tuyên truyền vận động nông dân thay đổi phương thức và tư duy sản xuất truyền thống sang “Ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ”, nhằm giải phóng sức lao động, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng lúa, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ
Hợp tác xã Hàm Phú thành lập năm 2022 hiện có 45 xã viên, thực hiện 5 dịch vụ sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp. Những ngày đầu thành lập, HTX cũng gặp không ít khó khăn như tư duy, nhận thức của thành viên về kinh tế HTX chưa thật sự rõ nét; việc triển khai thực hiện liên kết chuỗi trong sản xuất gặp khó khăn; thành viên HTX chưa mạnh dạn áp dụng công nghệ mới, quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ... Nhưng được chính quyền địa phương quan tâm, phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện các mô hình về sử dụng giống lúa mới chất lượng cao, gắn áp dụng biện pháp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm; IPM, ICM và IPHM… mang lại hiệu quả kinh tế. Từ đó, thành viên HTX mạnh dạn hơn trong việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất lúa. Đồng thời, thành viên tham gia vào HTX ngày càng tăng, từ 25 thành viên ban đầu, đến nay nâng lên 45 thành viên. Ông Cao Thương - xã viên Hợp tác xã Hàm Phú cho biết: “Thời gian qua, các thành viên của HTX được tập huấn các kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nhất là sản xuất lúa. Các xã viên cũng thường chia sẻ với nhau về kinh nghiệm canh tác, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, khi HTX triển khai mô hình “Cánh đồng không dấu chân” tôi được tiếp cận với những kỹ thuật trồng lúa hiện đại và nhận thấy mô hình này tiết kiệm được chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, sức khỏe và mang lại kinh tế cao cho người trồng lúa. Dự kiến, thời gian tới, tôi sẽ áp dụng mô hình trồng lúa mới này để nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Hàm Phú là địa phương có diện tích lúa lớn nhất của huyện Hàm Thuận Bắc với hơn 1.600 ha, cùng với lợi thế đầu nguồn nước hồ thủy lợi Sông Quao, tạo thuận lợi trong việc chủ động thực hiện các biện pháp canh tác, thâm canh cây lúa, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, giúp nông dân tăng thu nhập. Do đó, ngay từ đầu thành lập, HTX đã xác định, chọn lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ là mục tiêu để thực hiện. Với sự nỗ lực của HTX, sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt của chính quyền địa phương, HTX Hàm Phú sẽ thực hiện đạt mục tiêu đã đề ra, góp phần cùng địa phương nâng cao tiêu chí 13 nông thôn mới về hình thức tổ chức sản xuất, giúp nông dân nâng cao thu nhập từ chính cây trồng chủ lực, lợi thế của địa phương.