Phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể trong đoàn viên, thanh niên
Kinh tế tập thể - Ngày đăng : 08:37, 07/11/2024
Tại huyện Hàm Thuận Nam, có mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng các kĩ thuật công nghệ cao của ĐVTN Bùi Kim Thủy và Bùi Thanh Tùng tại thôn Phú Sung, xã Hàm Cường đang phát huy hiệu quả, cho thu nhập ổn định. Với hệ thống tưới nhỏ giọt tự động có thể điều khiển qua điện thoại di động, cùng các công trình bể chứa nước, dinh dưỡng, hệ thống tường bao xung quanh nhà màng, hệ thống thoát nước và sử dụng ong thụ phấn cho cây.
Để thực hiện được mô hình này, 2 bạn được Đoàn Thanh niên giới thiệu hỗ trợ từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng với số vốn tích góp được. Mô hình được xây dựng và triển khai từ năm 2018 với diện tích nhà màng khoảng 3000m2 với giống dưa nhập đạt chất lượng, được thị trường ưa chuộng hiện nay.
Theo chia sẻ của bạn Thuỷ và Tùng, mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng giúp cho cây dưa sinh trưởng phát triển tốt hơn, ít bị ảnh hưởng của thời tiết bất thuận, ít sâu bệnh hại, tiết kiệm công lao động. Một năm có thể thu hoạch từ 3 – 4 vụ, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 100 triệu đồng/vụ. Với hiệu quả mang lại, dự kiến sắp tới hai bạn sẽ tiếp tục mở rộng mô hình để phát triển kinh tế.
Hiện trên địa bàn tỉnh, còn có nhiều mô hình kinh tế tập thể của ĐVTN đã thành lập lâu năm và tập hợp được nhiều thanh niên tham gia, tạo ra giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu, tổ hợp tác trồng lúa sản lượng cao xã Nghị Đức (Tánh Linh) thành lập từ năm 2015, đến nay có 15 thành viên với sản lượng mỗi vụ 7,5 tạ/ha, vốn đầu tư 20 triệu đồng/ha, lợi nhuận mang lại 15 triệu đồng/ha.
Tổ hợp tác trồng cây ăn trái xã Suối Kiết thành lập từ năm 2019, có 5 thành viên tham gia, doanh thu hằng năm đạt trên 150 triệu đồng. Tổ hợp tác chăn nuôi dê của thanh niên dân tộc Chăm xã Phú Lạc (Tuy Phong) thành lập từ năm 2015, đến nay có 3 thành viên, thu nhập trung bình 80 triệu đồng/năm hay câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế biển phường Bình Hưng (TP. Phan Thiết), thành lập từ năm 2016, có 12 thành viên tham gia….
Theo đánh giá của Tỉnh đoàn, việc xây dựng và duy trì các mô hình phát triển kinh tế tập thể trong đoàn viên, hội viên, thanh niên là một giải pháp hiệu quả, có thể giải quyết đồng thời nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế nói chung và trong công tác đoàn kết tập hợp thanh niên khu vực nông thôn nói riêng. Từ đó, tạo điều kiện để thanh niên tỉnh nhà phát triển kinh tế với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp trong đoàn viên thanh niên.
Trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Đoàn tích cực nắm tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên trong vấn đề phát triển kinh tế để có những định hướng, tư vấn cũng như phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, kinh nghiệm... tổ chức các chương trình tham quan, học tập mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh nhằm định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên phát triển các mô hình kinh tế tập thể.