Bình Thuận chi trên 4 tỷ đồng đào tạo sinh viên ngành y được tỉnh cử đi học
Xã hội - Ngày đăng : 10:19, 07/11/2024
Trước đó, theo Tờ trình của UBND tỉnh Bình Thuận, qua thống kê, thực trạng nguồn nhân lực của ngành y tế từ năm 2000 đến nay chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân của tỉnh. Các bác sĩ, nhất là bác sĩ tốt nghiệp chính quy, rất ít người có nguyện vọng về tỉnh công tác nên có những địa phương trong tỉnh, trên 10 năm trở lại đây, không tiếp nhận được bác sĩ chính quy về công tác. Do đó, để đảm bảo số lượng bác sĩ phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh, UBND tỉnh đã có các chính sách tập trung đào tạo và thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế.
Năm 2022, qua kiểm toán tại Bình Thuận, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị: “Giao UBND tỉnh kiểm tra, xử lý đối với từng trường hợp cụ thể đúng với quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, chấm dứt việc hỗ trợ kinh phí đào tạo sinh viên ngành y đối với đối tượng không đủ điều kiện tuyển sinh; dừng tuyển sinh mới sinh viên ngành y đào tạo theo địa chỉ đối với các đối tượng không đủ điều kiện tuyển sinh. Các sinh viên không đúng đối tượng đã hỗ trợ kinh phí chỉ tuyển dụng và quyết toán kinh phí khi đã vượt qua kỳ thi tuyển viên chức theo quy định hiện hành”.
Qua rà soát, có 55 sinh viên đang được tỉnh ký hợp đồng đào tạo và hỗ trợ kinh phí, học tập tại Trường đại học Y Dược Cần Thơ và Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho đến năm 2027. Nếu chấm dứt hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các sinh viên này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho tỉnh. Do đó, UBND tỉnh có báo cáo Kiểm toán Nhà nước làm rõ việc chọn, cử sinh viên ngành y đi đào tạo theo địa chỉ được thực hiện theo trình tự chặt chẽ, đảm bảo khách quan. Qua đó, ngày 21/5/2024, Kiểm toán Nhà nước có công văn chuyển nội dung kiến nghị số 11 khoản 1 Mục II Thông báo số 590/TB- KTNN thành: “Chấm dứt việc tuyển sinh mới sinh viên ngành y đào tạo theo địa chỉ đối với các đối tượng không đủ điều kiện tuyển sinh. Các trường hợp đã ký hợp đồng hỗ trợ kinh phí đối với các sinh viên, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Cũng theo UBND tỉnh, từ năm 2008 -2021, những sinh viên ngành y được cử đi đào tạo sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng và bố trí công tác tại các cơ sở y tế công lập của tỉnh. Quy trình tuyển dụng đều thực hiện đảm bảo theo quy định của Trung ương, không có khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc tuyển dụng này. Những trường hợp bác sĩ đào tạo theo địa chỉ khi nghỉ công tác tại tỉnh vì lý do cá nhân thì phải thực hiện đền bù kinh phí theo đúng hợp đồng đào tạo đã ký kết. Đến nay chưa có xảy ra việc thất thoát kinh phí trong đào tạo sinh viên ngành y theo địa chỉ của tỉnh.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chi trả cho 55 sinh viên gần 6,943 tỷ đồng. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt kinh phí hỗ trợ năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024 với số tiền khoảng 4,062 tỷ đồng, được chi trả từ nguồn ngân sách tỉnh. Đối với số tiền 2,881 tỷ đồng còn lại, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát, sửa đổi Điều lệ Quỹ khuyến học để thực hiện hỗ trợ kinh phí năm 2025 đến năm 2027 cho các sinh viên này, dự kiến chi từ nguồn Quỹ khuyến học “Tiếp bước cho em đến trường”.
Được biết, hiện nay toàn tỉnh có 1.042 bác sĩ, trong đó có 838 bác sĩ đang công tác tại đơn vị sự nghiệp y tế công lập và 204 bác sĩ đang công tác tại các đơn vị, cơ sở y tế khác; các phòng khám tư nhân. Với số lượng bác sĩ này, toàn tỉnh đạt tỷ lệ khoảng 8,2 bác sĩ/vạn dân. Để đạt được tỷ lệ 9 bác sĩ/vạn dân theo Nghị quyết số 06- NQ/ĐH ngày 16/10/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, với dân số dự kiến vào năm 2025 là 1.283.700 người thì toàn tỉnh cần có 1.156 bác sĩ. Do đó, đến năm 2025 tỉnh phải bổ sung thêm 114 bác sĩ.