Cần có cơ chế đặc thù để phát triển điện vùng hải đảo
Kinh tế - Ngày đăng : 16:14, 07/11/2024
Cần cơ chế đặc thù phát triển điện ở vùng đảo
Tham gia góp ý tại Điều 5 về chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, bày tỏ thống nhất rất cao với các chính sách phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như dự thảo Luật là được Nhà nước ưu tiên bố trí vốn đầu tư và có các chính sách ưu đãi về đầu tư, về tài chính.
Tuy nhiên, theo đại biểu, đối với chính sách phát triển điện ở các đảo hết sức đặc thù. “Như chúng ta biết, các đảo của nước ta phần lớn cách xa đất liền từ vài chục tới vài trăm km. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho người dân cũng như phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng thì nhà nước đầu tư rất nhiều chi phí để làm các nhà máy điện diesel, điện gió, điện mặt trời hoặc là kéo điện ra đảo với kinh phí rất lớn. Đơn cử, kéo điện ra Côn Đảo mất 5.000 tỷ đồng; Cô Tô: 1.100 tỷ đồng, Phú Quốc: 2.221 tỷ đồng…; không những vậy, hàng năm còn phải bù lỗ, cụ thể như đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận, bên cạnh đầu tư nhà máy điện diesel thì hàng năm phải bù lỗ, riêng trong năm 2023 bù lỗ khoảng 170 tỷ đồng” - đại biểu Nguyễn Hữu Thông phân tích.
Chính vì vậy, để đảm bảo phát triển điện ở các đảo, qua nghiên cứu việc phát triển điện của đảo Phú Quý, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Chính phủ có chính sách cho phép người dân trên đảo được lắp đặt điện mặt trời mái nhà được liên kết và phát công suất dư thừa lên lưới điện trên các đảo có hệ thống điện độc lập, không kết nối với hệ thống điện quốc gia sẽ được mua với mức giá bằng giá trần của nhà máy điện mặt trời theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương về việc ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. “Nếu áp dụng cơ chế này thì đảo Phú Quý cứ 1 MWp khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ tiết kiệm được chi phí phát điện diesel là 12,031 tỷ đồng/năm cho Nhà nước. Như vậy nhà nước sẽ ít bù lỗ, nhưng người dân vẫn có điện để sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế xã hội và làm hậu cứ cho trường sa và nhà giàn DK1. Nếu có chính sách trên thì tôi nghĩ không chỉ có đảo Phú Quý mà các đảo của nước ta sẽ có đủ điện sử dụng và tiết kiệm rất nhiều nguồn lực của nhà nước do không phải bù lỗ hay không kéo điện lưới ra đảo” - đại biểu Nguyễn Hữu Thông phân tích thêm.
Quy định rõ hơn dự án lưới điện phát triển kinh tế - xã hội
Liên quan đến hình thức lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực (Điều 26); cụ thể tại điểm a khoản 2, dự thảo Luật quy định: “Các dự án được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư”.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị quy định rõ hơn các dự án lưới điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư phù hợp với quy hoạch thì không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Bởi vì, các dự án lưới điện phục vụ cho kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng và dự án điện là dự án theo tuyến, đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Muốn thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thì đòi hỏi từng vị trí móng trụ, hành lang tuyến phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, giao thông, thủy lợi,... Trong khi hành lang tuyến trong công trình điện kéo dài qua nhiều xã, nhiều huyện; muốn thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư phải điều chỉnh các quy hoạch trên, trong khi chu kỳ quy hoạch là 10 năm và điều chỉnh giữa kỳ (khoảng 5 năm) dẫn đến các công trình sẽ chậm tiến độ theo quy hoạch, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh năng lượng.
Liên quan đến Điều 27 về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công; tại khoản 4 Điều 27, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị bổ sung thêm loại hình “điện gió ngoài khơi” trong các loại hình điện để làm cơ sở cho triển khai thực hiện trên thực tế. “Như chúng ta biết, nước ta rất có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi và hiện nay có nhiều nhà đầu tư đang xin chủ trương đầu tư loại hình này nhưng chưa được quy định trong dự thảo luật. Do vậy, việc bổ sung loại hình điện gió ngoài khơi là việc hết sức cần thiết; tuy nhiên, cần có điều khoản nhằm hạn chế các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi chuyển nhượng dự án cho các đối tác khác, vì vấn đề điện gió ngoài khơi là vấn đề rất nhạy cảm về quốc phòng, an ninh” - đại biểu Nguyễn Hữu Thông lý giải.
Góp ý về phát triển điện từ năng lượng mới (Điều 34); tại khoản 2 dự thảo luật quy định “Bên mua điện và bên bán điện được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện sản lượng điện được bảo đảm huy động tối thiểu trong năm đối với nhà máy điện có đấu nối lên hệ thống điện quốc gia trong thời hạn theo quy định của Chính phủ”; đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng quy định trên là chưa đầy đủ. “Tôi đề nghị bổ sung thêm các nội dung như bảo lãnh đầu tư, chuyển đổi ngoại tệ, các cam kết về chuyển giao công nghệ và sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước, bảo đảm của nhà nước để thực hiện dự án đầu tư vào hợp đồng mua bán điện và Chính phủ quy định chi tiết nội dung này cho phù hợp với Điều 27” - Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề xuất.