Thuốc lá điện tử “núp bóng” ma túy đe dọa giới trẻ

Pháp luật - Ngày đăng : 05:32, 08/11/2024

Những năm gần đây, tình trạng mua bán và sử dụng thuốc lá điện tử thế hệ mới, đặc biệt là thuốc lá điện tử pha tẩm ma túy, ngày càng phức tạp cả ở Việt Nam và trên thế giới. Đặc biệt là trên không gian mạng và các sàn thương mại điện tử.

Thuốc lá điện tử có ma túy

Tại Việt Nam, số vụ, số đối tượng, vật chứng bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ về số lượng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng công an cả nước đã phát hiện và xử lý 35 vụ, bắt giữ 83 bị can, trong đó có 24 vụ, 31 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng thuốc lá điện tử chứa chất ma túy. Thuốc lá thế hệ mới không chỉ được nhập lậu vào Việt Nam, mà đã xuất hiện các các doanh nghiệp nhập linh kiện, tinh dầu và tổ chức gia công, sản xuất tại Việt Nam với số lượng lớn. Đó là thông tin của Bộ Công an tại hội thảo công bố tác hại thuốc lá mới vừa mới tổ chức.

byt.jpg

Theo Bộ Công an, trước đây, thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy chủ yếu được sản xuất ở nước ngoài và nhập lậu vào Việt Nam qua đường xách tay, với số lượng không nhiều. Tuy nhiên, gần đây, tình hình đã có sự thay đổi lớn. Các đối tượng đã chuyển sang nhập lậu linh kiện, tinh dầu và các bộ phận của thuốc lá điện tử để tự sản xuất trong nước. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng tham gia vào việc gia công, chế biến và sản xuất các sản phẩm thuốc lá điện tử chứa chất ma túy.

Ngoài ra, công an cũng đã phát hiện nhiều vụ việc các đối tượng sản xuất, mua bán các loại cốt CBD (chứa cần sa tổng hợp) để bơm vào thuốc lá điện tử, nhằm gia tăng độ “phê” cho người sử dụng. Việc này không chỉ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng mà còn làm gia tăng các nguy cơ liên quan đến tệ nạn ma túy trong giới trẻ,

Các thủ đoạn tinh vi

Các sản phẩm thuốc lá điện tử chứa chất ma túy như Ampire, Gangster, Amtestdam, Bestas, Wukong... được sản xuất, tiêu thụ thường xuyên; với nhiều mẫu mã, tên gọi, hương vị và chất ma túy khác nhau. Những sản phẩm này được quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội, với thông tin sai lệch như tạo cảm giác khoái cảm, tăng lực, hoặc tuyên bố không chứa chất cấm và không gây hại nhằm gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Các quảng cáo này được thiết kế một cách tinh vi để thu hút người dùng. Đồng thời, đối phó với các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn từ gia đình, xã hội và các cơ quan chức năng.

Điều đáng chú ý là, từ hình thức bên ngoài, rất khó để phân biệt đâu là thuốc lá điện tử chứa ma túy và đâu là sản phẩm thông thường, khiến người tiêu dùng dễ dàng bị lừa. Thêm vào đó, các đối tượng này liên tục thay đổi công thức và sử dụng các chất ma túy mới, chưa được liệt kê trong danh mục các chất ma túy của Chính phủ, để chế tạo ra những sản phẩm thuốc lá điện tử với thành phần ma túy mới, qua đó tránh được sự phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng.

Để đối phó tình trạng ma túy “núp bóng” trong thuốc lá điện tử, Bộ Công an đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Đó là tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua các chương trình truyền hình, phóng sự, và tiểu phẩm trên các nền tảng mạng xã hội; tại các khu vực trọng điểm và trường học để nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của ma túy “núp bóng”. Đồng thời, triển khai các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát các sản phẩm có chứa chất ma túy.

TRANG MINH