Cần kiểm soát tốt hơn các quy định về quảng cáo

Chính trị - Ngày đăng : 09:11, 09/11/2024

BTO-Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều nay, 8/11, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tại tổ 15.

ĐBQH tỉnh Bình Thuận Đặng Hồng Sỹ đã tham gia nhiều nội dung quan trọng đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo.

Góp ý cụ thể tại Điều 5 về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; trong dự thảo Luật có phân rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các cơ quan có liên quan phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và trách nhiệm ở địa phương. Theo đại biểu Đặng Hồng Sỹ, phân rõ như vậy để dễ xác định trách nhiệm nhưng càng phân rõ thì lại càng dẫn đến thiếu, hở.

z6013402240973_1246e631f40cd29b7b3e21a34ca92ef2.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Đặng Hồng Sỹ thảo luận chiều nay 8/11.

Theo đại biểu trách nhiệm chung của Chính phủ đã rõ; về trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ đối với lĩnh vực này, chịu trách nhiệm chính nên giao cho 01 Bộ; trong dự thảo Luật nêu: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp cho Chính phủ quản lý về mặt quảng cáo. Lĩnh vực quản lý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ yếu là quảng cáo về trực quan, băng rôn, pano chiếm tỷ lệ rất ít; trong khi đó, hiện nay quảng cáo trên mạng xã hội và trên báo chí thuộc lĩnh vực của Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhiều hơn. Bên cạnh đó, dung lượng quảng cáo thuộc lĩnh vực của Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý chiếm khoảng 80-90%; nội dung quảng cáo trên mạng xã hội cũng rất đa dạng. Chính vì vậy, đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề xuất nên giao cho Bộ Thông và Truyền thông chịu trách nhiệm quản lý chính phù là hợp nhất; Bộ thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ có liên quan quản lí các lĩnh vực quảng cáo thuộc ngành đó. 

“Từ việc đề xuất ở Điều 5, tại Điều 9 Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo, tôi đề xuất Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành lập thì chuyển giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông; tương tự như vậy trong các điều luật, nội dung nào giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thì đều chuyển lại cho Bộ Thông tin và Truyền thông là phù hợp nhất” - đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề xuất.

Tại Điều 8 các hành vi nghiêm cấm trong quảng cáo, dự thảo luật không sửa đổi; nhưng theo Luật năm 2012 tại khoản 4 có nêu: “Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị trật tự giao thông, an toàn xã hội”, đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề nghị nên sửa, bổ sung thêm cụm từ “Vệ sinh môi trường”. Lý giải, đại biểu cho biết vấn đề này cử tri cũng rất bức xúc, trong đó vấn nạn rải, phát tờ rơi tràn lan dọc đường diễn ra thường xuyên đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường. Mặt khác, tại Khoản 14 có nêu: “Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục”; đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ “trái pháp luật”; nghĩa là quảng cáo tạo cho trẻ em hiểu trái, hiểu không đúng pháp luật thì cũng nên cấm. 

Tại Điều 27 về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng - rôn; khoản 4 của Luật năm 2012 quy định thời hạn treo băng rôn không quá 15 ngày nhưng không đề cập đến thời hạn bảng quảng cáo. Do vậy đại biểu đề xuất sửa bổ sung thêm thời gian trên bảng quảng cáo là bao nhiêu? Có thể 6 tháng hoặc 01 năm tuỳ chất liệu bảng quảng cáo; 6 tháng đối với bảng bằng nhựa chất liệu dễ hư hỏng; 01 năm đối với bảng tôn kẽm kiên cố để tránh tình trạng các bảng quảng cáo để quá lâu hư hỏng gây mất mỹ quan đô thị. 

Liên quan đến Điều 37 quy định về nội dung và nguyên tắc quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Theo đó, bảng quảng cáo ngoài trời là bảng có chân trụ thì phải quy hoạch vị trí rồi mới được đặt quảng cáo; tuy nhiên theo đại biểu, hiện nay có những quảng cáo ngoài trời sẽ không cần quy hoạch. Đó là bảng quảng cáo được đặt trong khuôn viên sân thuộc sở hữu đất của cá nhân, doanh nghiệp; mặt khác, việc treo bảng quảng cáo cũng không ổn định. Đại biểu đề nghị chỉ quy hoạch đối với quảng cáo không thuộc sở hữu đất của cá nhân, doanh nghiệp với loại quảng cáo bảng có chân trụ. Chính vì vậy, đề nghị sửa đổi nội dung cụ thể để tạo sự thuận lợi trong quá trình triển khai Luật sau này.

Cũng theo đại biểu Đặng Hồng Sỹ, qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu bày tỏ sự quan tâm nhất hiện nay là chế tài xử lý hoạt động quảng cáo. Theo đại biểu, quá trình thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012 đến nay xuất hiện nhiều bất cập, xử lý không hiệu quả. Đơn cử, hiện nay cử tri rất bức xúc vấn đề dán tờ rơi trên các trụ điện, công trình, nhà dân, rải tờ rơi có in các số điện thoại. Đại biểu cho rằng đây là hình thức cho vay nặng lãi trá hình trong đó có tờ rơinhưng thời gian qua chưa được xử lý triệt để; hoặc hiện nay quảng cáo không đúng trên mạng xã hội rất nhiều, các trang mạng xã hội lợi dụng người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm sai sự thật; thậm chí hiện nay công nghệ mới có trường hợp còn cắt ghép hình ảnh của bác sĩ, diễn viên nổi tiếng nhằm tạo niềm tin cho người dân về sản phẩm. Điều đáng nói những hình ảnh quảng cáo có số điện thoại rõ ràng, tại sao ngành chức năng lại không liên hệ xử lý số điện thoại đó? Do vậy đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề nghị cần có chế tài xử lý nghiêm hành vi rao vặt, quảng cáo trái phép...




THU HÀ