Dự án Luật Dữ liệu phù hợp với tiến trình hội nhập và hợp tác quốc tế
Xã hội - Ngày đăng : 16:35, 09/11/2024
Tham gia ý kiến, ĐBQH tỉnh Bình Thuận Phạm Thị Hồng Yến cho biết: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, việc hoàn thiện pháp luật, quy định những chính sách trong việc phát triển và ứng dụng dữ liệu vào công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội cũng được xác định là một nhiệm vụ quan trọng.
“Tôi cho rằng việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết và cấp thiết để có thể đảm bảo bao quát, đầy đủ cả nội dung, nhiệm vụ đã được xác định trong công tác chuyển đổi số, tạo được sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý nhà nước cũng như phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu cũng như phù hợp với tiến trình hội nhập và hợp tác quốc tế” - Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến nhận định.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến cũng đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của cơ quan soạn thảo, đây là một dự án luật mới và rất khó. Qua nghiên cứu hồ sơ, đại biểu nhận thấy Ban soạn thảo đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan. Đến nay, có thể nói rằng dự thảo luật đã cụ thể hóa được 4 chính sách quan trọng được đề nghị trong xây dựng luật.
Để hoàn thiện hơn dự án luật, liên quan đến Chương IV dự thảo luật, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu những nội dung thuộc về trách nhiệm của Trung tâm dữ liệu quốc gia, đề nghị gộp chung chuyển về Điều 41. Tại đó quy định những trách nhiệm của Trung tâm dữ liệu quốc gia, còn đối với những nội dung có tính kỹ thuật thì đề nghị Ban soạn thảo chỉnh lý khái quát và giao cho Chính phủ quy định chi tiết phù hợp với những thẩm quyền của Chính phủ.
Tại khoản 1 Điều 48 dự thảo luật quy định liên quan tới sản phẩm và dịch vụ của dữ liệu, đối với đoạn về giao dịch điện tử, viễn thông, an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, công nghiệp, công nghệ số, xác thực điện tử, cơ yếu, công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; đại biểu đề nghị nghiên cứu lược giản việc thể hiện để đảm bảo không có sự trùng lặp cũng như phù hợp, thống nhất với việc áp dụng các quy định của pháp luật. Đồng thời, để nghị chỉnh lý khái quát các điều kiện trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu tại Điều 49 dự thảo luật. Đối với những nội dung quy định hết sức chi tiết, đại biểu đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo cho công tác quản lý cũng như tổ chức thực hiện được linh hoạt và các hoạt động được triển khai hiệu quả và khả thi.