Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực miền Trung-Tây Nguyên

Xã hội - Ngày đăng : 20:16, 09/11/2024

Ngày 9-11, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Ủy ban Dân tộc tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (giai đoạn 2021-2025) khu vực miền Trung-Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn 2026-2030.

Tới dự, chỉ đạo và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hoà Bình-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG; Đỗ Văn Chiến-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Hầu A Lềnh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai.

Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG của các tỉnh, thành phố; các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên các sở, ban, ngành của 16 tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Đồng chí Nguyễn Hoà Bình-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG dự và chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Đ.T

Khu vực miền Trung-Tây Nguyên gồm 16 tỉnh, thành phố, bao gồm 445 xã khu vực I, 66 xã khu vực II và 476 xã khu vực III, với 3.243 thôn đặc biệt khó khăn. Phần lớn khu vực là miền núi, điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp, bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, sinh kế còn nhiều khó khăn.

Việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình gặp không ít khó khăn, thách thức; đặc biệt là về cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện đã tác động không nhỏ đến tiến độ thực hiện, giải ngân của chương trình. Tỷ lệ giảm nghèo DTTS đến năm 2024 ước giảm bình quân 5,2%/năm.

Kết quả giải ngân vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình đến thời điểm này của 16 địa phương khu vực miền Trung-Tây Nguyên đạt 60,6%, trong đó vốn đầu tư đã giải ngân được 74,3% và vốn sự nghiệp đã giải ngân được 44,5%.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.T

Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của khu vực. Các nguồn lực, chính sách của chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh như kết nối đường giao thông, các công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất, các công trình tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, sinh hoạt văn hoá...

Cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc và các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, các địa phương đã thực hiện tốt công tác xoá đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khoẻ, giáo dục-đào tạo có những chuyển biến tích cực.

Mặc dù Chương trình được tổ chức thực hiện chính thức từ nửa cuối năm 2022, song với sự nỗ lực và tính chủ động của địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác.

Một số chỉ tiêu ước đã hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao như tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS của 16 tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên, trong đó một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ở mức cao như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Nông...

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Tại hội nghị, các đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, nhất là những kết quả đạt được và hạn chế, tồn tại trong thực hiện từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần; chỉ rõ các nội dung còn chậm hoặc vướng mắc cần tập trung tháo gỡ; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Chào mừng hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên nêu rõ: Được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự chủ động của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cùng với các nguồn lực thực hiện Chương trình đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Thể hiện ở một số kết quả cụ thể và hoàn thành sớm một số chỉ tiêu, như: Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm hằng năm đạt trên 3%. Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng được quan tâm đầu tư.

Những kết quả đạt được đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân các DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tại hội nghị này, tỉnh Gia Lai mong muốn được lắng nghe những ý kiến chia sẻ, những kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện nhằm phát huy hơn nữa các kết quả đạt được và đặt ra những nội dung, biện pháp hiệu quả hơn trong giai đoạn tới, để Chương trình thực sự mang lại sức sống mới cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, hoàn thành các mục tiêu mà Chương trình đề ra.

Các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: Đ.T

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng hành ủng hộ của nhân dân 16 tỉnh trong thực hiện Chương trình; khẳng định, nhờ vào những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả, đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia vào các chương trình phát triển KT-XH, các hoạt động cộng đồng, góp phần vào việc duy trì an ninh trật tự tại địa phương.

Qua thực hiện Chương trình, đời sống đồng bào được nâng lên đáng kể, hộ nghèo giảm, hạ tầng phát triển, diện mạo vùng dân tộc, miền núi thay đổi nhiều; nhiều chính sách nhân văn đến với người dân. Nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sinh kế, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Thu nhập bình quân tăng đáng kể, đạt trung bình 34,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn 2,5 lần so với năm 2019.

Để kịp thời báo cáo, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện Chương trình giai đoạn II từ năm 2026 đến năm 2030, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là lãnh đạo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trên cơ sở đánh giá toàn diện, tổng thể các dự án của Chương trình đã triển khai ở giai đoạn I cần tiếp tục rà soát hành lang pháp lý, đề xuất, xác định các dự án thiết thực cho giai đoạn II, trong đó tập trung vào các dự án có tác động thúc đẩy và nên có thứ tự ưu tiên đối với các dự án, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Cùng với đó là cần đặc biệt quan tâm tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý, giám sát, triển khai dự án, chủ động quyết định các chính sách cụ thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn triển khai, bảo đảm phù hợp mục tiêu chung của Chương trình và điều kiện thực tiễn.

Tiếp tục tổ chức các hội nghị tổng kết Chương trình cấp vùng và toàn quốc theo hình thức, quy mô phù hợp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Rút kinh nghiệm quá trình thiết kế, xây dựng Chương trình giai đoạn I để đề xuất Chương trình giai đoạn II bảo đảm tiến độ, chất lượng, bám sát thực tiễn và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đ.T

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tâm từ nay đến cuối năm 2024, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh triển khai và giải ngân vốn thực hiện Chương trình; chủ động rà soát, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để có giải pháp tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn, xử lý kịp thời theo quy định hiện hành và phù hợp tình hình thực tiễn.

Chú trọng kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi, đặc biệt là đội ngũ thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc tại cấp cơ sở; tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp cơ sở gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai thực hiện và giám sát Chương trình.

Báo Gia Lai