Khắc phục khó khăn để KTTT, HTX phát triển bền vững
Kinh tế tập thể - Ngày đăng : 11:43, 10/11/2024
Theo số liệu mới nhất về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tại Bình Thuận cho đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh hiện có 3.255 tổ hợp tác (THT), tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2023, với 137.564 thành viên. Trong đó, THT chủ yếu tập trung trong lĩnh vực tín dụng, với 2.127 tổ, chiếm 65,3%, số còn lại là các THT hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp... với 701 tổ, chiếm 21,8%, 418 tổ thuộc lĩnh vực khác, chiếm 12,8%.
Các THT được hình thành và hoạt động cơ bản phù hợp với quy định của Nghị định số 77/2019/NĐ-CP, ngày 10/10/2019 của Chính phủ, phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế của từng địa bàn, địa phương trong tỉnh, đảm bảo đúng quy định, nguyên tắc, chủ động trong các hoạt động, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào hoạt động, sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế và đáp ứng đời sống, thu nhập cho các thành viên, hỗ trợ giúp nhau học hỏi, phát triển cùng có lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đối với lĩnh vực hợp tác xã (HTX), liên hiệp hợp tác xã, đến nay trên toàn tỉnh có 228 HTX và 2 liên hiệp HTX, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 4,1%. Trong đó có 197 HTX đang hoạt động; 33 HTX, liên hiệp HTX ngừng và tạm ngừng hoạt động; thành lập mới 10 HTX. Tổng nguồn vốn hoạt động 4.151,452 tỷ đồng, doanh thu 9 tháng năm 2024 ước đạt là 145,2 tỷ đồng, lợi nhuận 20,5 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ; tổng số thành viên HTX là 50.569 thành viên.
Theo đánh giá tình hình phát triển KTTT, HTX cơ bản ổn định. Một số Hợp tác xã nông nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường liên kết, hợp tác sản xuất. Các Quỹ tín dụng nhân dân (QTD) ngày càng được củng cố, đáp ứng nhu cầu của thành viên, có định hướng hoạt động đúng, phù hợp, nên hầu hết các QTD nhân dân kinh doanh có lãi; cơ cấu cho vay của các QTD tập trung theo hướng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Việc sử dụng vốn tại các QTD nhân dân hiệu quả, an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho thành viên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống cho thành viên và người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đến thời điểm hiện tại, tình hình thời tiết diễn biến không thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, hạn hán, thiếu nước đã hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Các Hợp tác xã hầu hết đều có quy mô nhỏ, số lượng thành viên ít, nguồn vốn hoạt động thấp, vốn góp của một số hợp tác xã phần lớn là vốn danh nghĩa, tính liên kết của các thành viên trong hợp tác xã chưa cao. Nhiều hợp tác xã hoạt động chưa đảm bảo nguyên tắc theo Luật HTX không tổ chức đại hội thường niên, không thực hiện việc thông tin báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của các hợp tác xã đa số đều lớn tuổi, trình độ, năng lực quản trị chưa đáp ứng với tình hình thực tế, khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong điều hành quản trị hợp tác xã còn hạn chế, chưa kịp thời.
Một số HTX hoạt động cầm chừng, chưa hiệu quả, thậm chí không hoạt động. Công tác phát triển thành viên của các HTX còn hạn chế, hầu hết các HTX không thu hút thêm được thành viên mới... Với những hạn chế này, thời gian tới cần có giải pháp khắc phục để KTTT, HTX phát triển bền vững.