Đổi mới và nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội
Xã hội - Ngày đăng : 06:57, 10/11/2024
Tại Bình Thuận, ngay từ đầu năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Đề án 12 ĐA/TU về đổi mới, nâng cao chất lượng GS, PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (gọi tắt là Đề án 12). Với mục tiêu xuyên suốt nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phát huy sức mạnh đoàn kết và thống nhất hành động trong hệ thống chính trị về công tác GS, PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Phát huy tốt vai trò GS, PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp một cách chủ động và độc lập, hướng đến mục tiêu bảo đảm quản lý nhà nước được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn ngừa và hạn chế tình trạng lạm quyền, tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tăng cường, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác GS, PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền. Phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia góp ý, hiến kế để xây dựng Đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh… Nhiệm vụ của đề án là đưa ra các giải pháp mới có tính đồng bộ nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động GS, PBXH của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đến nay sau gần 1 năm xây dựng Đề án 12, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong công tác GS, PBXH gắn với việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động GS, PBXH. Nổi bật là công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện đề án được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện phù hợp với thực tiễn cơ quan, đơn vị như: Trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội do cơ quan chức năng lập và quản lý; hệ thống loa phát thanh ở cơ sở, lồng ghép tuyên truyền trong các hội nghị, cuộc họp… Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của hoạt động GS, PBXH của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện GS, PBXH, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung GS, PBXH; trao đổi những vấn đề liên quan theo đề nghị của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Nhờ đó tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan dân vận, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia ngay từ đầu khi xây dựng các chủ trương, chính sách và triển khai thực hiện các chương trình, dự án tại địa phương có tác động, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Đồng thời, tập trung chỉ đạo giải quyết những phản ánh, kiến nghị của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân cũng như sẵn sàng tiếp thu, khắc phục những hạn chế, thiếu sót được chỉ ra qua hoạt động GS, PBXH…
Để đề án thật sự đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong công tác GS, PBXH; tổ chức thực hiện tốt kế hoạch triển khai Đề án 12 trong nội bộ gắn với thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở… Tiếp tục thực hiện tốt quy trình GS, PBXH, thực hiện đảm bảo quy trình GS theo từng đối tượng, quy trình PBXH theo đề án. Tiếp thu ý kiến PBXH trong quá trình tham mưu UBND tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội có liên quan trực tiếp đến người dân…