Câu chuyện thoát nghèo của anh Bờ Rông Râm

Dân tộc - Phát triển - Ngày đăng : 05:29, 11/11/2024

“Thấy nhiều người còn khổ hơn, nên mình xin xã ra khỏi hộ nghèo”, anh Bờ Rông Râm, thôn 1, xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận chia sẻ.
img_2544.jpg
Ngôi nhà tình thương cũ của anh Bờ Rông Râm.

Đến đầu thôn 1, xã vùng cao La Dạ của huyện Hàm Thuận Bắc theo đường ĐT 714, bạn sẽ thấy ngôi nhà cấp 4 khang trang nằm bên phía phải con đường. Nhà với bề ngang 5 m, dài gần 20 m lát gạch bông sáng bóng, rèm cửa đẹp còn thơm mùi nhà mới. Chủ nhân ngôi nhà là vợ chồng 8X Bờ Rông Râm và Xim Thị Xuân. Để có cơ ngơi này, không phải dễ đối với những người có xuất phát điểm thấp ở nơi núi rừng, điều kiện cuộc sống khó khăn. Theo UBND xã La Dạ, hiện toàn xã có 227 hộ nghèo, trong đó thôn 1 có 95 hộ, cuộc sống chủ yếu chăn nuôi, trồng trọt, ngoài ra đi rừng lấy măng, nấm... cải thiện thêm cuộc sống gia đình. Anh Râm cũng trong số đó khi là hộ nghèo từ năm 2004 đến 2023. Anh Râm cho biết: “Sau khi xuất ngũ lấy vợ vào khoảng năm 2003, cha mẹ dù nghèo, con đông nhưng cũng cho vợ chồng anh 3 con bò, dê, heo và vài sào đất canh tác. Không tiền bạc trong tay, anh dựng túp lều ở tạm cạnh nhà cha mẹ, rồi trở thành hộ nghèo của xã. Năm 2005, Nhà nước xây tặng cho anh căn nhà tình thương kiên cố trị giá 8 triệu đồng, chấm dứt cảnh chống dột mỗi đêm mưa”.

img_2473.jpg
Sau 20 năm tích cóp anh Râm xây được nhà mới khang trang.
img_2476.jpg
Anh Bờ Rông Râm mở cửa nhà.
img_2491.jpg
Bên trong ngôi nhà.

Tuy đói nghèo vẫn đeo bám, nhưng nhờ chí thú làm ăn và chi tiêu có kế hoạch nên gia đình anh ngày một có của ăn của để. Anh Râm kể: Nguồn thu nhập chính của gia đình từ chăn nuôi bò, dê, heo đen và canh tác bắp, điều. Ngoài ra đi rừng lấy măng, nấm… sản vật từ rừng nói chung, cải thiện thêm cuộc sống gia đình.

Trong chăn nuôi, anh Râm xem đó như là nuôi “heo đất”, khi nào cần thì bán bớt, còn cứ để nuôi sinh sản... chỉ tập trung vào canh tác cây trồng đem lại nguồn thu. Ngoài canh tác trên diện tích đất của mình bao gồm đất 04 - cấp theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, anh còn đi thuê hoặc xin những ai trong gia đình có đất bỏ hoang, canh tác bắp thêm.

img_2519.jpg
Vườn điều của gia đình anh Râm.

Hàng năm thu nhập từ điều, bắp khoảng hơn 10 triệu đồng mỗi vụ, anh gửi tiết kiệm ngân hàng sau khi đã đầu tư vụ sau. “Lúc nông nhàn, mình đi rừng kiếm măng, nấm, mật ong… về bán có tiền trang trải trong gia đình. Vì cuộc sống ở núi rừng đơn giản, ăn uống sao cũng được nên có thể tiết kiệm, dành dụm phòng những lúc ốm đau, để làm những việc lớn như xây, sửa nhà”, anh Râm nói thêm.

Năm 2023 sau gần 20 năm sống trong cảnh nghèo khó với niềm hy vọng đổi đời, đàn bò của anh đã lên tới gần 20 con; bầy heo đen 4 con, anh đã có tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng hơn 100 triệu đồng. Thấy nhà ở của mình đã xuống cấp trầm trọng, con cái đã lớn, nên bàn với vợ lên kế hoạch xây nhà. Anh tính, bán bớt bò cùng số tiền gửi tiết kiệm, nếu thiếu thì vay mượn thêm đủ xây căn nhà lớn hơn.

img_2531.jpg
Bầy heo đen trong chuồng.

Kế hoạch ấy của anh cũng đúng vào thời điểm UBND xã La Dạ triển khai công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm theo quy định. Qua xét, hộ anh từ hộ nghèo được đưa ra cận nghèo, nhưng anh đề nghị xã cho thoát nghèo vì thấy cuộc sống của mình hiện đã khá hơn so với các hộ khác trong xã. “Thấy nhiều người còn khổ hơn nên mình xin ra khỏi hộ nghèo để nhường lại cho hộ khác”, anh Râm chia sẻ.

Đầu năm 2024, anh chuyển về nhà mới ở trong niềm vui không chỉ của mình mà còn người thân, bạn bè. Căn nhà được xây hết 500 triệu đồng, trong đó có hơn 400 triệu đồng từ tiền tiết kiệm, bán bò và 100 triệu đồng từ vay ngân hàng, người thân. “Xây nhà xong mình nợ 70 triệu đồng gồm tiền vay ngân hàng 50 triệu đồng, vay cha mẹ 20 triệu đồng. Đến nay khoản vay ngân hàng trả dần, còn nợ 20 triệu đồng”, anh Râm thổ lộ. Hiện gia đình anh vẫn còn đàn heo đen 4 con, bầy bò 9 con, vườn điều, đất đai còn nguyên vẹn...

Với “tài sản” hiện còn này so khoản nợ kia không là gì. Trong khi tuổi đời của vợ chồng anh còn trẻ, cộng với đức tính cần cù chịu thương chịu khó, biết tính toán chi tiêu trong gia đình, con cái đã lớn, không lâu nữa sẽ xóa được nợ và vươn lên khá giả. Ông Nguyễn Văn Tám – Thôn trưởng thôn 1, xã La Dạ tấm tắc khen anh Râm: Nếu hộ nghèo nào trong xã cũng như hộ anh thì La Dạ giảm nghèo bền vững.

Bà Lê Thị Kim Liên - Chủ tịch UBND xã La Dạ thông tin, gia đình anh Bờ Rông Râm trước đây thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhà ở. Vợ chồng anh chịu khó, biết cách làm ăn, tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình. Việc xin ra khỏi diện hộ nghèo của anh thể hiện không trông chờ, ỷ lại vào việc hỗ trợ của Nhà nước. Đây là tấm gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới.

Ninh Chinh