Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng
Chính trị - Ngày đăng : 14:31, 11/11/2024
“Hỏi nhanh, đáp gọn”
Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hoạt động chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đưa hoạt động chất vấn ngày càng trở thành điểm nhấn của mỗi kỳ họp Quốc hội. Trên cơ sở tổng hợp những vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm nhiều nhất tại Kỳ họp này, 3 nhóm vấn đề Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của 3 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Bộ Y tế. Cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối phiên chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và phạm vi nội dung chất vấn của Kỳ họp này để đánh giá khách quan, xem xét kỹ những khó khăn, thách thức tình hình trong nước và bối cảnh khu vực và thế giới; phân tích, đánh giá đúng mức những mặt được, những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ sát thực, khả thi, hiệu quả.
Điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo chương trình, Quốc hội chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có báo cáo 16 trang nêu chi tiết các nội dung liên quan đến vấn đề chất vấn tại kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn với ba nhóm vấn đề: Việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; Công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; Công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 và thiên tai. Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong quá trình điều hành, khi cần thiết, chủ tọa sẽ mời Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công thương, Phó Thủ tướng Chính phủ báo cáo, giải trình thêm những vấn đề liên quan mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Làm rõ giải pháp giải quyết nợ xấu
Đặt vấn đề chất vấn liên quan đến nợ xấu, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Trần Hồng Nguyên đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá tình hình nợ xấu ở nước ta hiện nay và những giải pháp để giải quyết vấn đề này?
Đại biểu đặt câu hỏi: “Nếu không xử lý được vấn đề nợ xấu thì việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ gặp khó khăn gì và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cụ thể nào khi tình huống này xảy ra?”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hồng Nguyên về vấn đề nợ xấu tăng cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian vừa qua, tình hình nợ xấu có xu hướng tăng cao. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55%- gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với năm 2022. Đây là một thực tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, xã hội. Doanh nghiệp và người dân khó khăn, giảm nguồn thu dẫn đến việc trả nợ càng khó khăn hơn.
Để kiểm soát nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cũng đề ra một số giải pháp. Theo đó, đối với các tổ chức tín dụng, khi cho vay cần thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng về khả năng trả nợ của khách hàng vay, đảm bảo kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Còn đối với các nợ xấu hiện hữu, cần tích cực xử lý nợ xấu thông qua việc đôn đốc khách hàng trả nợ, thu nợ, phát mại tài sản của nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có khuôn khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu.